Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu các văn bản có hiệu lực trong tháng 02/2019 như: Quy định về kiểm lâm, trái phiếu doanh nghiệp, kết hơp kinh tế với quốc phòng, chương trình giáo dục phổ thông mới…
Kiểm lâm bị thương được hưởng chính sách như thương binh
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, có hiệu lực 15/02/2019.
Theo đó, kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định để thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, tuần tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng
Ngày 4/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/02/2019.
Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước có mệnh giá là 100.000 đồng hoặc là bội số của 100.000 đồng. Nếu phát hành ra thị trường quốc tế, mệnh giá được thực hiện theo quy định của thị trường phát hành.
Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử; Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành theo quy định tại thị trường phát hành.
Đáng chú ý, Nghị định này quy định trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 01 năm, kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định.
Tăng cường kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 164/2018/NĐ-CP về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng ngày 21/12/2018.
Kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội bao gồm việc kết hợp mọi hoạt động về quốc phòng với hoạt động xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bao gồm các nội dung:
– Kết hợp trong xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng;
– Kết hợp trong xây dựng và phát triển khu kinh tế – quốc phòng;
– Kết hợp trong quản lý khu kinh tế – quốc phòng;
– Kết hợp trong hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng;
– Kết hợp trong hoạt động của đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng;
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/02/2019.
Điều kiện để chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc
Ngày 24/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Theo đó, chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau:
– Chứng từ điện tử được ký số bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo chứng từ điện tử và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan;
– Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn chứng từ điện tử trong quá trình truyền gửi, nhận, lưu trữ trên hệ thống…
Chứng từ giấy được chuyển thành điện tử bằng hình thức sao chụp và chuyển thành tệp tin trên hệ thống thông tin, hoặc nội dung của chứng giấy được chuyển thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin.
Thẩm định tu bổ trong 07 ngày nếu di tích nguy cơ bị hủy hoại
Ngày 25/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, có hiệu lực 15/02/2019.
Theo đó, thời gian thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích như sau:
– Đối với di tích văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kết quả thẩm định bằng văn bản đồng ý hoặc văn bản góp ý điều chỉnh, bổ sung;
– Đối di tích cấp tỉnh: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp kết quả thẩm định bằng văn bản đồng ý hoặc văn bản góp ý điều chỉnh, bổ sung;
– Trường hợp di tích có nguy cơ bị hủy hoại hoặc cần tu bổ, tôn tạo đột xuất phục vụ nhiệm vụ chính trị đặc biệt thì thời hạn thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích là 07 ngày làm việc.
Dừng khai thác nước dưới đất ở khu vực bãi chôn lấp chất thải rắn
Từ ngày 10/02/2019, quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất được thực hiện theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (vùng hạn chế) được phân loại gồm các vùng: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4; Vùng hạn chế hỗn hợp. Mỗi vùng hạn chế bao gồm một hoặc một số khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.
Cụ thể, Vùng hạn chế 1 được thực hiện đối với các khu vực sau: Khu vực đã từng xảy ra sự cố sụt, lún đất, biến dạng địa hình; Khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung; Khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sinh vật…
Dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có và thực hiện xử lý, trám lấp giếng đối với các khu vực thuộc Vùng 1.
Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH từ 2019
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, có hiệu lực 15/02/2019.
Theo đó, Từ ngày 01/01/2019, tiền lương tháng đã đóng BHXH với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định… được điều chỉnh theo công thức:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Trong đó, mức điều chỉnh của các năm 2016; 2017; 2018 và 2019 lần lượt là 1,07; 1,04; 1,00 và 1,00.
Chi 200 triệu đồng để mua tin thuốc lá nhập lậu
Theo Thông tư 122/2018/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/02/2019.
Theo đó, tiền có được từ đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu sẽ được chi cho các khoản sau:
– Chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc;
– Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm;
– Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Không có nợ xấu 2 năm liên tiếp được vay vốn đầu tư ra nước ngoài
Theo Thông tư 36/2018/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/02/2019, quy định cụ thể về điều kiện vay vốn để đầu tư ra nước ngoài, gồm:
– Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự; nếu khách hàng là cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có 02 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn;
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép;
– Có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng.
Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng.
Đã có lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip
Lộ trình này được bổ sung tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, có hiệu lực 18/02/2019.
Theo đó, Lộ trình chuyển đổi được quy định như sau:
– Đến 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
– Đến 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;
Trong thời gian chuyển đổi, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.
Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng
Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện theo Thông tư 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính từ ngày 15/02/2019.
Chế độ này áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/04/2019, có một số điểm đặc biệt sau:
– Về tổ chức bộ máy: Doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng.
– Về Sổ kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp. Nếu không tự xây dựng được thì sử dụng biểu mẫu và phương thức ghi chép tại Thông tư này;
– Về phương pháp kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập…
Quy định mới về thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên
Từ ngày 08/02/2019, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ chính thức có hiệu lực.
Thông tư này quy định mới về thời gian tập sự của giáo viên, giảng viên như sau:
– Đối với giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III: Tập sự 12 tháng. Trước đây giáo viên THPT chỉ cần tập sự 09 tháng.
– Đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III: Tập sự 09 tháng
– Đối với giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV: Tập sự 06 tháng.
Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới
Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT Chương trình giáo dục phổ thông mới, có hiệu lực 15/02/2019.
Đáng chú ý, có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học, điển hình như:
– Cấp tiểu học: Có môn học mới là Tin học và Công nghệ, bên cạnh các môn học trước đây như: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…
– Cấp trung học cơ sở: Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới.
– Cấp trung học phổ thông: Học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Định mức sử dụng xe ô tô công vụ của cấp huyện là 3 chiếc
Ngày 11/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô , có hiệu lực 25/02/2019.
Theo đó định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của cấp huyện như sau:
– Văn phòng Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc tỉnh; Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Tối đa 01 xe/01 đơn vị để phục vụ công tác cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô; trường hợp hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện thì định mức sử dụng xe ô tô của Văn phòng sau khi hợp nhất tối đa 03 xe. Trường hợp hợp nhất Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện thì định mức sử dụng xe ô tô của Văn phòng sau khi hợp nhất tối đa 02 xe;
– Trường hợp đơn vị quy định nêu trên có trụ sở đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thiết phải trang bị thêm xe ô tô, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định bổ sung định mức tối đa 01 xe/01 đơn vị.
– Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý xe ô tô tập trung để bố trí phục vụ công tác chung cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô khi đi công tác.
Nghị định 04/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ: Đơn vị thuộc cấp huyện không thuộc quy định nêu trên không được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung; trường hợp có chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác.
Hướng dẫn xác định tuổi của người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ sau:
– Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh;
– Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.
Nếu các giấy tờ trên có mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, nhà trường, đoàn thanh niên… để hỏi, lấy lời khai, hoặc tìm các tài liệu khác chứng minh về tuổi của người đó.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 05/02/2019.
Tiền lương đối với cán bộ, công chức ngành Bảo hiểm, giai đoạn 2019-2021
Tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm, giai đoạn 2019-2021 được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 51/2018/QĐ-TTgngày 25/12/2018 Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019 – 2021.
Cụ thể, mức chi tiền tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
– Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
– Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an (chỉ áp dụng đối với tổ chức Bảo hiểm xã hội là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán);
– Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.