Tổng hợp các văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 02 năm 2018

 

  1. VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
  2. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục và giáo viên ở các cơ sở mầm non công lập

Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục và giáo viên ở các cơ sở mầm non công lập đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018.

Chính sách đối với giáo viên mầm non
Chính sách đối với giáo viên mầm non

Giáo viên mầm non dân lập, tư thục (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng được áp dụng đối với trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau: Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; Không có nguồn nuôi dưỡng; Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Phương thức hỗ trợ do lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức: Phương thức 1 là cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn cho trẻ em; Phương thức 2 là chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

  1. Thu giá dịch vụ cảng biển cao hơn quy định, phạt đến 30 triệu 

Đây là một trong những nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Cụ thể, hành vi cung cấp dịch vụ tại cảng biển không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định sẽ bị phạt tiền từ 25 – 30 triệu đồng.

Với hành vi không niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu, giá dịch vụ tại cảng biển trên Trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở doanh nghiệp; Niêm yết giá vận chuyển không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng. Trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng với hành vi bơi lội hoặc làm mất trật tự công cộng trong khu vực cảng. Với hành vi hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc hoặc hành vi vô ý có thể gây cháy, nổ trên tàu thuyền, mức phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.

  1. Chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Tại Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, gồm có 24 chỉ tiêu được chia thành 04 nhóm.

Chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
Chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Các nhóm chỉ tiêu đánh giá mức độ tăng trưởng xanh gồm: Nhóm 05 chỉ tiêu kinh tế nhằm đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế về sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; Nhóm 10 chỉ tiêu môi trường nhằm đánh giá chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo…; Nhóm chỉ tiêu xã hội đánh giá hiệu quả nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân gồm 04 chỉ tiêu; Nhóm 05 chỉ tiêu về thể chế nhằm đánh giá công tác quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Đô thị tăng trưởng xanh là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo đó, các hoạt động ưu tiên thực hiện để xây dựng đô thị tăng trưởng xanh như: Điều chỉnh quy hoạch đô thị theo định hướng phát triển đô thị xanh, đô thị kinh tế – sinh thái, đô thị thông minh, đô thị cacbon thấp; Phát triển giao thông đô thị xanh, giao thông công cộng và các hình thức giao thông phát thải thấp; Sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch; Xử lý rác thải, chất thải theo hướng giảm xả thải, phát thải, tái chế rác thải; Phát triển đô thị thông minh…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

  1. Học sinh được tư vấn tâm lý tại trường

Tại Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Theo đó, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo viên bộ môn… triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.

Học sinh được tư vấn tâm lý tại trường
Học sinh được tư vấn tâm lý tại trường

Nội dung tư vấn bao gồm: Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; Tư vấn, giáo dục kỹ năng ứng xử, phòng, chống bạo lực và xâm hại; Tư vấn khả năng giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè; Tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu hiệu quả và định hướng nghề nghiệp…

Việc tư vấn được thực hiện thông qua các hình thức: Xây dựng chuyên đề tư vấn tâm lý, bố trí thành bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp; Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, câu lạc bộ, diễn đàn; Tư vấn trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc qua trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và phương tiện thông tin truyền thông khác…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02/02/2018.

  1. Đại lý xổ số được hưởng mức chi hoa hồng đến 15% doanh thu

Ngày 25/12/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 138/2017/TT-BTC về hướng dẫn khoản chi phí đặc thù đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số quy định tại Nghị định 122/2017/NĐ-CP .

Theo đó, mức chi hoa hồng của các đại lý xổ số được quy định cụ thể như sau:

– Mức chi hoa hồng do doanh nghiệp kinh doanh xổ số quyết định;

– Mức chi tối đa không được vượt quá 15% doanh thu từ việc kinh doanh các loại hình xổ số được phép kinh doanh, bao gồm cả thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt;

Thông tư 138/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/2/2018.

  1. Tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm của đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 04/12/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 129/2017/TT-BTC về quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

Tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm của đơn vị sự nghiệp công lập
Tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm của đơn vị sự nghiệp công lập

Theo đó, thang điểm tối đa để đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên là 100 điểm, được xác định dựa trên 03 nội dung sau:

– Kết quả tiết kiệm đối với một số chỉ tiêu cụ thể trong chi thường xuyên: Thang điểm tối đa là 70 điểm;

– Kết quả tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên được giao thực hiện chế độ tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và kết quả tiết kiệm kinh phí quản lý hành chính giao thực hiện chế độ tự chủ đối với cơ quan nhà nước: Thang điểm tối đa là 30 điểm;

– Đánh giá việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong chi thường xuyên (điểm trừ).

Thông tư 129/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.

  1. Điều kiện giao dịch điện tử giữa các đơn vị với Kho bạc nhà nước

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 133/2017/TT-BTC về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Theo đó, các đơn vị có giao dịch về quản lý thu, chi quỹ ngân sách nhà nước và quỹ tài chính nhà nước muốn thực hiện giao dịch điện tử với KBNN thì cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Phải có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hoặc  tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị cấp;

– Phải có máy tính và kết nối mạng internet; có 01 địa chỉ thư điện tử đã thông báo với KBNN để sử dụng cho tất cả các giao dịch trên Trang thông tin dịch vụ công của KBNN.

– Phải có thông báo tham gia và được KBNN chấp thuận, cấp tài khoản đăng nhập Trang thông tin dịch vụ công của KBNN để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của KBNN.

Xem chi tiết tại Thông tư 133/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.

  1. Doanh nghiệp casino phải quản lý mọi giao dịch bằng phần mềm

Ngày 29/12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 146/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý, giám sát việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh casino, có hiệu lực từ ngày 12/02/2018.

Thông tư này nhấn mạnh, doanh nghiệp casino phải theo dõi mọi giao dịch liên quan đến tiền, đồng tiền quy ước bằng phần mềm máy tính và bảo đảm dữ liệu từ phần mềm phải được kết chuyển vào Phiếu tổng hợp doanh thu; đồng thời các giao dịch này phải được ghi lại và báo cáo cho cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

Phiếu tổng hợp doanh thu phải được lập trên phần mềm máy tính và định kỳ hàng tháng doanh nghiệp casino phải chuyển thông tin dữ liệu của Phiếu đến cơ quan thuế cùng với thời gian nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt.

Doanh nghiệp casino chỉ được phép đổi đồng tiền quy ước cho người chơi trước khi chơi tại quầy thu ngân hoặc bàn trò chơi và đổi trả lại tiền cho người chơi tại quầy thu ngân. Đồng thời, phải bố trí các hòm (túi) chuyên dụng để đựng tiền mặt, đồng tiền quy ước; các hòm (túi) này phải được niêm phong trước khi mang ra khỏi kho quỹ và ngay sau khi mang ra khỏi máy (bàn) trò chơi điện tử có thưởng.

Việc quản lý thuế tại doanh nghiệp kinh doanh casino được thực hiện bằng hình thức quản lý trực tiếp tại Điểm kinh doanh hoặc giám sát qua các thiết bị điện tử và hệ thống camera.

 

  1. Kiểm tra chặt với người nhập khẩu muối lần đầu

Ngày 25/12/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm muối nhập khẩu tại Thông tư số 27/2017/TT-BNNPTNT.

Theo đó, phương thức kiểm tra chặt là kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu và thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng muối nhập khẩu áp dụng với một trong các trường hợp: Người nhập khẩu nhập khẩu muối lần đầu hoặc muối nhập khẩu không đạt yêu cầu chất lượng tại lần kiểm tra trước đó; Muối được nhập từ một cơ sở chế biến ở nước ngoài và cơ quan kiểm tra được thông báo hoặc có thông tin là muối nhập khẩu nằm trong khu vực có nguồn ô nhiễm hoặc có mầm bệnh dịch nguy hiểm có thể lây sang người; Sau thời gian 12 tháng kể từ khi lô hàng được áp dụng phương thức kiểm tra giảm; Kết quả kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất chất lượng, an toàn thực phẩm muối nhập khẩu không đạt yêu cầu chất lượng; Giấy chứng nhận hợp quy chất lượng muối nhập khẩu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hết thời hạn.

Trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu muối nhập khẩu không phù hợp với nội dung hồ sơ đăng ký hoặc yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm muối nhập khẩu, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được “Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm muối nhập khẩu”, người nhập khẩu có thể gửi văn bản đề nghị cơ quan kiểm tra, phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS lĩnh vực hóa thực hiện thử nghiệm lại chất lượng, an toàn thực phẩm mẫu muối nhập khẩu mà người nhập khẩu đang lưu. Căn cứ kết quả thử nghiệm này, cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với lô hàng muối nhập khẩu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2018.

  1. Thu giá dịch vụ cảng biển cao hơn quy định, phạt đến 30 triệu 

Đây là một trong những nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Cụ thể, hành vi cung cấp dịch vụ tại cảng biển không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định sẽ bị phạt tiền từ 25 – 30 triệu đồng.

Với hành vi không niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu, giá dịch vụ tại cảng biển trên Trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở doanh nghiệp; Niêm yết giá vận chuyển không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng. Trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng với hành vi bơi lội hoặc làm mất trật tự công cộng trong khu vực cảng. Với hành vi hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc hoặc hành vi vô ý có thể gây cháy, nổ trên tàu thuyền, mức phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.

  1. DN logistics phải bồi thường cho khách hàng đến 500 triệu

Ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, thay thế cho Nghị định số 140/2007/NĐ-CP đã được ban hành và áp dụng từ 10 năm nay.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng. Cụ thể, trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp logistics thì thực hiện theo quy định đó. Trường hợp pháp luật không quy định thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng do hai bên thỏa thuận.

Trường hợp doanh nghiệp logistics và khách hàng không có thỏa thuận thì thực hiện như sau: Nếu khách hàng không có thông báo trước về trị giá hàng hóa thì doanh nghiệp logistics phải bồi thường tối đa 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường; Nếu khách hàng đã thông báo trước, mức bồi thường của doanh nghiệp logistics không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.

Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics theo hình thức vận tải hàng hóa đường bộ thì có thể hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. Đặc biệt, 100% lái xe của doanh nghiệp này phải là công dân Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

  1. Quy định mới về thuế giá trị gia tăng

Có hiệu lực từ 01/02/2018, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP  ngày 15/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015. Theo đó, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) trường hợp sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.

 

  1. Sửa đổi quy định bảo đảm kinh phí hoạt động của bảo hiểm xã hội

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2018, Nghị định 161/2017/NĐ-CP ngày 29/12/2017 sửa đổi Điều 12 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, sửa đổi Điều 12 về bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được bố trí trong dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

 

  1. Quy định mới về đăng ký xe

Theo Thông tư 64/2017/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định về đăng ký xe có hiệu lực từ 12/02/2018, bổ sung trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe là: “Xe đã đăng ký, cấp biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen khi có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho xe”.

Đồng thời, Thông tư cũng sửa đổi quy định về cơ quan đăng ký xe như sau: Cục Cảnh sát giao thông đăng ký, cấp biển số xe của Bộ Công an và xe ô tô của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức quy định.

  1. Công trình vốn nhà nước phải sử dụng vật liệu xây không nung

Theo Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng có hiệu lực từ 1/2/2018, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ như sau: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: sử dụng 100%; các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ; các tỉnh vùng Đông Nam bộ: Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.

  1. Quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước

Có hiệu lực từ 05/02/2018, Thông tư 41/2017/TT-BTTTT quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Về nguyên tắc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử, Thông tư nêu rõ: Chữ ký số phải gắn kèm văn bản điện tử sau khi ký số. Văn bản điện tử được ký số phải đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn xuyên suốt quá trình trao đổi, xử lý và lưu trữ văn bản điện tử được ký số.

 

 

 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *