Xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã rất thành công trong việc phát triển mô hình thư viện cà phê sách song song với hoạt động thiết chế nhà văn hóa. Với sáng kiến của Đoàn thanh niên thôn Đại An, đến nay hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc gây quỹ cho đoàn thanh niên, duy trì và đa dạng các nội dung hoạt động nhà văn hóa thôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân tại địa bàn dân cư.
Phát huy thiết chế nhà văn hóa
Trong nhiều năm qua, cùng với phong trào xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá, các tỉnh, thành phố đã quan tâm, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Ở mỗi khu dân cư, nhà văn hóa chính là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao, hội họp, giao lưu văn nghệ, thực hiện tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, những bất cập trong tổ chức hoạt động, phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế nhà văn hóa tại các khu dân cư lại luôn là nỗi trăn trở với nhiều địa phương. Hầu hết các nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế từ nguồn vốn tài trợ hoặc được nhân dân địa phương đóng góp song lại không phát huy hiệu quả, tác dụng. Không ít nhà văn hóa sử dụng sai mục đích, hoặc cầm chừng, một số nhà văn hóa còn biến thành kho chứa đồ hoặc nơi trông giữ trẻ thậm chí xây dựng sau vài tháng lại khóa cửa bỏ không. Lý do, địa phương không đủ kinh phí chi trả tiền điện, nước, kinh phí cho người trông coi và nhiều hoạt động khác. Hiện tượng nhà văn hóa chỉ có “vỏ” mà thiếu nội dung hoạt động khá phổ biến ở các xã, thôn. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều nhà văn hóa hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị đã lạc hậu, hỏng hóc, song rất khó khăn về kinh phí đầu tư, sửa chữa. Trước những hiện tượng trên, bài toán đặt ra cho mỗi địa phương phải làm sao để đưa hoạt động của các nhà văn hóa vào sử dụng có hiệu quả và thiết thực hơn.
Vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn” nhằm tháo gỡ những bất cập trong hoạt động. Đề án nhấn mạnh mục tiêu cần phải đổi mới cơ chế quản lý, khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí. Vì vậy, thiết chế nhà văn hóa trong các thôn, làng muốn hoạt động hiệu quả thì cần có những sáng kiến, cách làm thiết thực, khả thi cùng với nhiều chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân.
Mô hình thư viện cà phê sách gắn với nhà văn hóa thôn
Xã Tam Đại, huyện Phú Ninh có diện tích tự nhiên 2.768 ha và tổng số dân 5.907 người, được chia thành 6 thôn. Trong những năm qua, lãnh đạo đảng ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể luôn quan tâm, chỉ đạo đầu tư cho các hoạt động văn hóa của xã cũng như xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho nhân dân trong xã. Cho đến nay, cơ bản các thiết chế văn hóa thể thao từ xã đến thôn đều đảm bảo hoàn chỉnh về diện tích và đạt chuẩn theo quy định. Là một trong 6 thôn của xã, Đại An hiện có nhà văn hóa thôn với mô hình hoạt động rất hiệu quả do sáng kiến của các đoàn viên thanh niên trong Ban Chấp hành chi đoàn.
Thời điểm mới đi vào hoạt động, nhà văn hóa thôn Đại An cũng giống như các nhà văn hóa khác trên địa bàn tỉnh và toàn quốc, gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí để duy trì hoạt động. Do không có kinh phí cho người trông coi, mở cửa nhà văn hóa hàng ngày cũng như chịu trách nhiệm tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhu cầu của bà con nên nhà văn hóa ở đây cũng được sử dụng như là nơi hội họp, một tháng mở cửa vài lần.
Từ sáng kiến của Ban chấp hành chi đoàn, tạo việc làm cho một số đoàn viên mới ra trường chưa tìm được việc nên đã đề xuất với chính quyền địa phương mở Thư viện cà phê sách và nhận được sự đồng ý. Thư viện cà phê sách của Chi đoàn thôn Đại An được xây dựng vào cuối năm 2010 với diện tích gần 30m2, nằm trong khuôn viên nhà văn hóa. Trong thời gian xây dựng, chi đoàn đã huy động mọi lực lượng đoàn viên, thanh niên làm việc không quản ngày đêm cùng với sự giúp sức của hội nông dân, cựu chiến binh, hội người cao tuổi. Thậm chí có những hôm, ban đêm trời mưa các cụ cao tuổi vẫn cầm đèn pin, chống gậy tới nhà văn hóa thôn để chẻ tre, bện lá dừa lợp mái. Cùng với sự nỗ lực của chi đoàn và sự góp sức của các đoàn thể, Thư viện cà phê sách đã đi vào hoạt động vào ngày 01/01/2011.
Thành công từ mô hình
Quá trình mới đi vào hoạt động, mô hình này được nhiều người ủng hộ song cũng có nhiều người bàn tán vì không tin rằng sẽ thành công. Không ít người nghĩ thanh niên chỉ nông nổi và tài sản chung của tập thể thì sẽ khó quản lý được. Suy nghĩ này cũng là điều rất trăn trở của Ban chấp hành chi đoàn là làm sao để duy trì, hoạt động Thư viện cà phê sách một cách hiệu quả, đồng thời đáp ứng nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thông tin của người dân trong thôn.
Để có được sách, báo cho thư viện, các đoàn viên đã phải huy động từ rất nhiều nguồn khác nhau. Nguồn sách, báo lấy từ tủ sách pháp luật của thôn, tủ sách của các đoàn viên trong Ban chấp hành chi đoàn và vận động thêm các đoàn viên khác đóng góp truyện, sách của gia đình mình. Ngoài ra, có thêm nguồn báo của Đảng ủy xã, báo của các đồng chí đang đi làm cơ quan mang về ủng hộ. Bên cạnh đó, một phần từ nguồn thu của quán, mỗi tháng cũng trích lại một khoản để mua sách cho thư viện. Vào đầu năm 2015 quán được phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật của Sở Tư pháp Tỉnh Quảng Nam đến thăm và tặng hơn 20 đầu sách pháp luật. Nhiều cá nhân, khi biết về hoạt động của quán đã đem tặng sách, báo cho chi đoàn. Do vậy, số lượng sách, báo cũng dần tăng lên và ngày càng phong phú hơn về nội dung, thể loại như: lịch sử, văn học, luật, sách biển đảo, truyện cho các em thiếu nhi, truyện ngắn, tiểu thuyết…
Được mở trong khuôn viên của nhà văn hóa, với giá cà phê chỉ từ 5.000đ đến 7.000đ, bình quân mỗi tháng tổng thu của quán vào khoảng 3.000.000đ, chí phí 2.000.000đ (mua hàng, hỗ trợ người phục vụ, mua sắm trang thiết bị, các chi phí khác …) còn lại bổ sung quỹ hoạt động của chi đoàn 1.000.000đ. Việc mở thư viện cà phê sách đã tạo được việc làm thêm cho một số đoàn viên. Đoàn viên chi đoàn muốn làm thêm có thể đăng ký với chi đoàn. Người đứng bán sẽ được nhận tiền bồi dưỡng từ 5 trăm đến 1 triệu đồng tùy vào số lượng hàng bán được mỗi tháng. Số tiền không nhiều nhưng cũng giúp các em có thêm tiền để mua dụng cụ học tập, sách vở. Các khoản thu chi của quán đều được ghi chép đầy đủ, công khai và báo cáo với chi đoàn.
Từ khi Thư viện cà phê sách đi vào hoạt động, chính quyền xã đã giao toàn bộ trách nhiệm trông coi, quản lý nhà văn hóa cho Ban Chấp hành chi đoàn. Các đoàn viên chi đoàn cũng luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và sáng tạo trong các hoạt động của nhà văn hóa. Nhà văn hóa thôn Tam Đại đã duy trì được việc mở cửa thường xuyên phục vụ các buổi hội họp, sinh hoạt của các ban ngành, đoàn thể, đồng thời hoạt động văn hóa, thể thao tại đây ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong thôn tham gia. Mô hình này sau một thời gian đi vào hoạt động đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân và chính quyền địa phương bởi những kết quả mà nó đã đem lại.
Đều đặn mỗi sáng, ông Lê Đình Thinh – đại biểu hội đồng nhân dân là “khách ruột” của quán tới uống cà phê trước khi vào công việc, ông chia sẻ: “Chúng tôi vận động con em, người dân tới đây để vừa uống cà phê vừa xem sách báo. Qua đó, có thể thu thập thêm thông tin vừa góp phần tạo nguồn kinh phí để Đoàn thanh niên đẩy mạnh hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương”. Có thể thấy, từ khi Thư viện cà phê sách hoạt động, tình hình trị an trên địa bàn được ổn định hơn, thanh thiếu niên chơi bời lêu lổng ít đi. Những em thiếu hiểu biết pháp luật cũng được Chi đoàn tuyên truyền, giáo dục thông qua tủ sách pháp luật. Từ khi có nguồn kinh phí ổn định, Đoàn thanh niên đã chủ động trong các hoạt động góp phần đẩy mạnh phong trào tại địa phương như: ủng hộ vật chất để làm đường bê tông nông thôn; trao học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học; tặng quà cho các hộ chính sách; tổ chức vui chơi thi đấu các giải cờ tướng, cầu lông, đội viên rung chuông vàng…
Anh Đinh Văn Tiên – Chi đoàn thôn Đại An bộc bạch: “Điều mà chúng tôi mong muốn là làm sao tăng số lượng đầu sách, báo để có thể phát triển thành thư viện nhỏ phục vụ người dân trong thôn. Qua đó góp phần tạo thói quen về văn hóa đọc, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng”.
Có thể thấy, mô hình Thư viện cà phê sách ra đời là một thành công bởi sự dám nghĩ, dám làm của Ban chấp hành chi đoàn cùng với sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương. Thành công từ mô hình không chỉ tạo được nguồn kinh phí đáng kể để đẩy mạnh các phong trào của thanh niên, giải quyết tại chỗ việc làm cho một số đoàn viên, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, giúp người dân có điều kiện tiếp cận thông tin một cách có hiệu quả. Tuy mới hoạt động trong vài năm trở lại đây, nhưng với những hiệu quả thiết thực mà mô hình đem lại, cũng đã có rất nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh đến học tập kinh nghiệm.
Với mô hình phát triển Thư viện cà phê sách của Đoàn thanh niên trong khuôn viên nhà văn hóa, đồng thời trao trách nhiệm trông coi, tổ chức các hoạt động nhà văn hóa cho Đoàn thanh niên là một thành công đã được kiểm chứng. Mô hình này góp phần duy trì hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa trong khu dân cư, giải quyết vấn đề khó khăn về con người, nội dung hoạt động của nhà văn hóa. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều địa phương thành công khi áp dụng mô hình này và ngày càng có thêm những sáng tạo mới trong quá trình thực hiện để các thiết chế nhà văn hóa trong khu dân cư sẽ thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.
Đinh Lan Hương