Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn (Nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi).
Hành vi tảo hôn là hành vi bị cấm theo Điều 5 của Luật Hôn nhân gia đình và theo Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ_CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thì hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử lý như sau:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn (tổ chức đám cưới, cho chung sống như vợ chồng) là hành vi bị cấm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương khi phát hiện hành vi tảo hôn chính quyền địa phương cũng như đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ thường ngó lơ, bỏ qua quy định của pháp luật để cho hai bên gia đình tổ chức đám cưới và đôi trẻ về chung sống với nhau như vợ chồng.
Theo quy định của Hội Liên hiệp phụ nữ thì Hội phụ nữ có trách nhiệm: Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Đoàn Thanh niên có trách nhiệm: Đại diện, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Với nhiệm vụ đại điện, chăm lo và bảo vệ cho phụ nữ cũng đoàn viên, thanh niên của tổ chức mình nhưng Hội LHPN và Đoàn thanh niên cơ sở không làm tròn trách nhiệm, không đứng ra bảo vệ, lên án hành vi tảo hôn mà thờ ơ, bỏ qua việc tổ chức tảo hôn. Việc làm này vô hình chung đã tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật của người dân, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, và đồng thời làm cho tình trạng tảo hôn tăng lên, chất lượng hôn nhân của những cặp tảo hôn sẽ không cao, tình trạng ly hôn sẽ tăng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến đôi bạn trẻ mà còn ảnh hưởng đến con cái, gia đình hai bên và cả xã hội.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cấp xã, Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn thanh niên khi phát hiện hành vi tảo hôn cần phải có biện pháp xử lý theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình và Nghị định 110 nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người chưa đến tuổi kết hôn, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, qua đó sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng như góp phần xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, đất nước phồn vinh.
Phương THảo