Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi đề nghị trangtinphapluat.com viết bài về quy định hoàn trả tiền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban hành sai, người vi phạm đã nộp phạt thì việc hoàn trả tiền xử phạt thực hiện như thế nào cho đúng?
Hoàn trả tiền xử phạt vi phạm hành chính
Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định 81/2013/NĐ-CP, Nghị định 97/2017/NĐ-CP) mới chỉ quy định về trách nhiệm nộp tiền phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp“.

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp người vi phạm chậm nộp tiền phạt thì mỗi ngày chậm nộp phải nộp thêm 0,05% tổng số tiền phạt chưa nộp. Luật xử ý vi phạm hành chính chưa quy định trường hợp người vi phạm đã nộp phạt, sau đó có văn bản của cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc khẳng định quyết định xử phạt là sai thì số tiền đã nộp tính như thế nào? trả lại bằng số tiền đã nộp hay là cũng tính lãi suất 0,05% giống như trường hợp người vi phạm chậm nộp tiền phạt.
Tại Khoản 2 Điều 13 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định vềBồi thường thiệt hại, theo đó: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Và tại Điều 6đ của Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì:
+ Người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót và cơ quan của người đó phải kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thực hiện quyết định gây ra.
(Xem tất tần tật các vướng mắc và cách giải quyết trong xử phạt vi phạm hành chính)
+ Cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình ban hành, tham mưu ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung có sai sót của quyết định, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; nếu gây thiệt hại thì phải hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chưa quy định rõ việc hoàn trả tiền xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ quy định trách nhiệm của người ban hành quyết định xử phạt sai phải kịp thời khắc phục hậu quả và bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Hoàn trả theo Luật Bồi thường Nhà nước
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì “trường hợp các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phải hoàn trả các khoản tiền đó và khoản lãi cho người bị thiệt hại.
(Xem slide bài giảng tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)

Trường hợp các khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính là khoản lãi vay hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp các khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của BLDS tại thời điểm quy định tại Khoản 2 Điều 22 của Luật này.
Theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự thì trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:
+ Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
+ Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
(Xem loạt bài viết so sánh Bộ luật Dân sự 2015 với Bộ luật Dân sự 2005)
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 BLDS 2015 thì mức lãi suất sẽ là 10%/năm, tương ứng với 0,03%/ngày, thấp hơn mức tiền mà người vi phạm phải nộp chậm (người vi phạm nộp chậm nộp 0,05%).
Thời gian để tính lãi suất quy định như thế nào?
Tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 68/2018/NĐ_CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì khoảng thời gian để tính khoản lãi nêu trên được tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại Khoản tiền đó.

Như vậy, khi người vi phạm chậm nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính thì mức tính tiền chậm nộp mỗi ngày là 0,05%, còn khi hoàn trả tiền xử phạt vi phạm hành chính do người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước mà quyết định xử phạt đó bị sai phải hoàn trả lại tiền thì mức lãi suất chỉ là 0,03%/ngày. Thật là không thật sự phù hợp, quá thiệt thòi cho cá nhân, tổ chức. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi quy định này để đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức trong việc nộp phạt cũng như được hoàn trả tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về nội dung hoàn trả tiền xử phạt vi phạm hành chính. Ý kiến tham gia vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Phương Thảo