Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực 01/7/2019, thay thế cho Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012.
Để bạn đọc hiểu rõ những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, trangtinphapluat.com giới thiệu PHẦN 2 so sánh giữa 2 Luật 2018 và Luật 2005 như sau:
Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 1
(Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021)
1. Về tính công khai minh bạch trong phòng chống tham nhũng
+ Luật 2018 đã có 1 điều mới quy định về Họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cụ thể:
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật về báo chí.
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình mà dư luận xã hội quan tâm, trừ trường hợp pháp luật về báo chí có quy định khác.
+ Về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân
– Luật 2005 quy định Công dân có quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp thông tin về hoạt động của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó.
Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2018 Luật Tiếp cận thông tin 2016 có hiệu lực thi hành thì quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân đã được mở rộng, theo đó: Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cậnquy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin.
(Xem slide bài giảng tuyên truyền Luật tiếp cận thông tin)
Chính vì vậy mà Luật năm 2018 đã sửa đổi quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân theo hướng “Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin”.
2. Về trách nhiệm giải trình
Luật 2018 bổ sung 2 trường hợp giải trình: Thứ nhất, báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật. Thứ hai, Việc giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Luật 2018 cũng quy định cụ thể người có trách nhiệm giải trình là: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
3. Về báo cáo phòng, chống tham nhũng hằng năm
Ngoài việc kế thừa quy định Chính phủ, UBND các cấp phải báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng cho Quốc hội, HĐND các cấp thì Luật năm 2018 còn bổ sung trách nhiệm báo cáo đối với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân, cụ thể:
(Xem slide bài giảng tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng 2018)
+ Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ trong việc xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc xây dựng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
Để tạo sự thống nhất trong việc báo cáo coogn tác phòng, chống tham nhũng, Luật 2018 cũng quy định Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng bao gồm các nội dung sau đây:
> Đánh giá tình hình tham nhũng;
> Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và các nội dung khác trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng;
Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng và phương hướng, giải pháp, kiến nghị.
4. Tiêu chí đánh giá phòng, chống tham nhũng
Luật 2005 không quy định nội dung này. Luật 2018 đã quy định cụ thể Tiêu chí đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng như sau:
– Số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng;
– Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
– Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng;
– Việc phát hiện và xử lý tham nhũng;
– Việc thu hồi tài sản tham nhũng.
(Xung đột lợi ích là gì? Trường hợp nào được xem là xung đột lợi ích)
Phần tiếp theo sẽ đăng tải vào ngày 20/12/2018, mời các bạn theo dõi
Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 1
Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 2
Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 3
Đọc So sánh Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với Luật 2005 – phần 4
Rubi