Ngày 03/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế, có hiệu lực 20/7/2023 thay thế cho các Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế
Theo Nghị định Nghị định 29/2023/NĐ-CP thì Đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế, bao gồm
1. Cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;
b) Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền (Đây là quy định mới của Nghị định 29/2023/NĐ-CP so với các Nghị định về tinh giản biên chế trước đây);
c) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
d) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
đ) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
e) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
g) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý; (Đây là quy định mới của Nghị định 29/2023/NĐ-CP so với các Nghị định về tinh giản biên chế trước đây);
h) Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
2. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền. (Đây là quy định mới của Nghị định 29/2023/NĐ-CP so với các Nghị định về tinh giản biên chế trước đây);
Bộ Nội vụ hướng dẫn tinh giảm biên chế
Ngày 28/5/2024, Bộ Nội vụ có Công văn 2992/BNV-TCBC thực hiện chính sách tinh giản biên chế, theo đó Trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị lưu ý các trường hợp sau:
a) Không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp sau:
(1) chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã;
(2) công chức, viên chức có 02 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế;
(3) chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường;
(4) công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
(5) người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ (trừ người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp dùng chung trong các đơn vị sự nghiệp công lập),…
b) Đối với cán bộ cấp xã đã hết nhiệm kỳ bầu cử và không tái cử nhiệm kỳ tiếp theo: Đề nghị thực hiện chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và không thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP .
c) Đối với cán bộ, công chức cấp xã không đạt chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí việc làm hiện đảm nhiệm theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố : Đến thời điểm 01/8/2028 phải đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí việc làm hiện đảm nhiệm, nếu hết thời hạn nêu trên mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, để sớm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thì đối với cán bộ, công chức cấp xã không đạt chuẩn trình độ đào tạo ở vị trí việc làm hiện đảm nhiệm theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP mà có đơn tự nguyện tinh giản biên chế, cơ quan có nguồn thay thế và đồng ý thực hiện tinh giản biên chế thì sẽ thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Rubi