Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com cho biết trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định buộc khắc phục hậu quả khi cá nhân, tổ chức không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện sau khi ban hành quyết định cưỡng chế có được giao cho UBND cấp xã tổ chức thực hiện hay không?
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
Về thẩm quyền cưỡng chế
1. Theo quy định tại Điều 88 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, sửa đổi Điều 88 quy định về thẩm quyền cưỡng chế như sau:
“Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Người ra quyết định cưỡng chế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.
Việc gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Luật này:
Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.”
2. Tại Điều 6 trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định
“Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thi hành quyết định xử phạt của mình và cấp dưới. Đối với quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân để phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Việc phân công cơ quan chủ trì phải trên nguyên tắc vụ việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan nào thì giao cơ quan đó chủ trì; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giao cho một cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế”.
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166 thì trách nhiệm tổ chức thực hiện cưỡng chế thuộc về người ra quyết định và đối với UBND thì phải giao cho cơ quan chuyên môn để thực hiện.
Có thể giao cho cấp dưới tổ chức cưỡng chế
(Tổng hợp giải đáp các vướng mắc về cưỡng chế vi phạm hành chính)
+ Trước đây, theo Điểm b Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 02/2014/TT-BXD quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ (đã hết hiệu lực), thì: “Đối với công trình thuộc thẩm quyền cấp phép của cấp huyện thì Chủ tịch UBND cấp xã chuyển hồ sơ lên Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm, chuyển cho UBND cấp xã thực hiện”.
Và tại Khoản 2 Điều 17, Khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (đã hết hiệu lực), thì “UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện cưỡng chế tất cả các công trình xây dựng vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chánh thanh tra Sở Xây dựng”. Theo Thông tư 02 và Nghị định 180 thì UBND cấp xã tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định này phù hợp đối với những công trình quy mô nhỏ, mới xây dựng, không phải lập phương án cưỡng chế.
+ Hiện nay, theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP thì đối với cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thì giao cho cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện cưỡng chế. Tuy nhiên, thực tiễn UBND cấp huyện giao cho UBND cấp xã tổ chức thực hiện cưỡng chế. Vậy, việc giao cho cấp xã tổ chức cưỡng chế có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì:
“Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản
Việc ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.”
Như vậy, sau khi ban hành quyết định cưỡng chế, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện có thể ủy quyền cho UBND cấp xã tổ chức thực hiện cưỡng chế, và khi giao nhiệm vụ thì phải đảm bảo con người, nguồn lực để UBND xã tổ chức cưỡng chế.
Phương Thảo