Những bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục

Trangtinphapluat.com giới thiệu những hạn chế, bất cập sau 07 năm thi hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

1. Chưa có quy định để xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc thực hiện một số quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

Triển khai thực hiện đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học được giao nhiều quyền tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức hoạt động như: tự chủ tuyển sinh, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở năng lực đào tạo, tự chủ mở ngành đào tạo; in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ,… trên cơ sở các quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý nếu cơ sở giáo dục vi phạm.

Bo cau hoi trac nghiem thi vien chuc nganh giao duc
Những bất cập trong xử phạt VPHC lĩnh vực giáo dục

Tuy nhiên, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP chưa có các quy định làm cơ sở pháp lý để xử lý nếu cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm khi thực hiện các quyền về tự chủ như đã nêu. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung một số hành vi bị xử phạt hành chính đối với cơ sở giáo dục đại học khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

2. Một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục chưa có chế tài

– Thời gian qua hoạt động tư vấn du học có xu hướng phát triển mạnh. Đến tháng 5/2020, cả nước có 2.156 tổ chức được cấp GCN đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Qua thanh tra, kiểm tra một số đơn vị thực hiện hoạt động tư vấn du học cho thấy, có một số hành vi vi phạm quy định Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 ban hành Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Thông tư số 10/2014/TT-BGDĐT ngày 11/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 34/2017/TT-BGDĐT) nhưng Nghị định số 138/2013/NĐ-CP chưa có quy định chế tài để xử phạt.

(Xem tất cả hướng dẫn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính mới nhất)

– Sau khi có Nghị định 138/2013/NĐ-CP, nhiều quy định mới trong lĩnh vực giáo dục được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục mà cơ sở giáo dục có trách nhiệm thực hiện nhưng chưa có chế tài xử lý nếu vi phạm như: việc không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; việc thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố; việc không thực hiện chế độ báo cáo, công khai thông tin,…

3. Một số đối tượng thực hiện hành vi vi phạm chưa được quy định đối với các hành vi đã được quy định trong Nghị định

Trên thực tế có một số tổ chức thực hiện hoạt động liên quan đến dịch vụ giáo dục như trung tâm kiểm định, tư vấn du học, trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống,… cũng có thể là đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đã được quy định trong Nghị định như: việc thành lập, hoạt động giáo dục khi chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, Nghị định 138/2013/NĐ-CP chưa quy định các đối tượng này dẫn đến không xử phạt được khi có hành vi vi phạm. Vì vậy, cần nghiên cứu để bổ sung đối tượng chịu sự điều chỉnh đối với một số hành vi vi phạm đã được quy định trong Nghị định.

4. Các quy định về mức xử phạt không còn phù hợp

– Nghị định số 138/2013/NĐ-CP có một số điều quy định mức phạt tiền tăng dần theo cấp học, trình độ đào tạo. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng không nên quy định mức xử phạt theo cấp học, trình độ đào tạo đối với một số hành vi vi phạm, vì mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm là như nhau; việc căn cứ vào cấp học, trình độ đào tạo để quy định mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm là không hợp lý.

– Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, nhiều Sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục có ý kiến đề nghị điều chỉnh khung tiền phạt đối với một số hành vi quy định tại Nghị định số 138/2013/NĐ-CP cho phù hợp, để đảm bảo sức răn đe.

5.Thiếu các biện pháp khắc phục hậu quả mang tính đặc thù của ngành giáo dục

Giáo dục là hoạt động mang tính đặc thù, bên cạnh chế tài xử phạt thì các biện pháp khắc phục hậu quả cũng có vai trò tác động lớn đến ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng vi phạm. Qua đánh giá cho thấy, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP cần bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả mang tính đặc thù của ngành giáo dục để tăng sức răn đe và đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *