Theo quy định của Luật Đất đai 2003 cũng như Luật Đất đai 2013, Bộ Luật dân sự 2005 thì khi thực hiện các giao dịch, hợp đồng liên quan đến bất động sản là đất đai thì cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch hoặc yêu cầu các Tổ chức hành nghề công chứng, công chứng hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, theo quy định của các văn bản luật nêu trên thì cá nhân, tổ chức có 2 sự lựa chọn và dù có công chứng hay chứng thực thì giá trị pháp lý đều như nhau, đều được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Việc pháp luật quy định người dân có quyền lựa chọn công chứng hoặc chứng thực khi thực hiện giao dịch liên quan đến đất đai là phù hợp với thực tế và với nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2009, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định để chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng liên quan đến bất động sản từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng nhằm để đảm bảo quyền lợi của người dân. Đối với những địa phương chưa thành lập tổ chức hành nghề công chứng thì vẫn do UBND cấp xã thực hiện.
Vậy, việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng liệu có đúng quy định của pháp luật?
Theo giải trình của Bộ Tư pháp thì việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực là phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, phù hợp với Luật Công chứng và quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực sang tổ chức hành nghề công chứng sẽ đảm bảo an toàn về mặt pháp lý hơn cho người dân.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi thì việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch về đất đai từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng có nhiều điểm chưa thật sự hợp lý:
– Thứ nhất, thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã đã được quy định trong Luật Đất đai, Bộ luật dân sự do Quốc hội ban hành, do đó muốn chuyển giao thẩm quyền từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng thì phải do Quốc hội quyết định, chứ UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền.
– Thứ hai, theo khoản 2 Điều 83 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 thì trong trường hợp các văn bản pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Như vậy, văn bản do UBND cấp tỉnh ban hành chuyển giao thẩm quyền chứng thực có giá trị pháp lý thấp hơn Luật, do đó về nguyên tắc phải áp dụng văn bản Luật.
– Thứ ba, theo lý giải của Bộ Tư pháp thì việc chuyền giao thẩm quyền nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch. Vấn đề này chưa thuyết phục ở chổ, đối với những nơi vùng sâu, vùng xa thì vẫn do UBND cấp xã thực hiện, trong khi đó năng lực của cán bộ ở những nơi này thua xa so với ở đồng bằng, thành phố nhưng họ lại được làm, trong khi những cán bộ ở vùng đồng bằng có trình độ cao hơn, hiểu biết pháp luật hơn lại không được làm. Như vậy, việc chuyển giao chỉ bảo vệ được lợi ích cho người dân ở vùng có điều kiện, còn ở vùng sâu, vùng xa thì như thế nào???
Thiết nghĩ trong lúc nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng xã hội mà trong đó tất cả mọi người đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì các cơ quan nhà nước phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Do đó, kính đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm bãi bỏ quy định hạn chế quyền lựa chọn chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản của người dân để họ được tự do lựa chọn theo những quy định mà văn bản Luật cho phép.
Nguyễn Quốc Sử