Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phải Tổ chức chính trị – xã hội?

Hiện nay có 02 quan điểm khác nhau về các tổ chức chính trị – xã hội, theo đó có ý kiến cho rằng có 6 tổ chức chính trị – xã hội ở Việt Nam, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ có 05 tổ chức chính trị -xã hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải là tổ chức chính trị – xã hội.

Vậy, theo quy định của Đảng và Nhà nước thì các tổ chức chính trị – xã hội ở Việt Nam gồm những tổ chức nào?, các bạn hãy cùng trangtinphapluat.com tìm hiểu:

1. Theo quy định của Đảng

+ Theo Điều lệ Đảng khóa XI được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011 thì: “Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”, “Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện”.

+ Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng thì:  “Công tác lãnh đạo của Đảng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội được tăng cường, mối quan hệ phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng bộ”, “tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội”

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phải Tổ chức chính trị - xã hội?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phải Tổ chức chính trị – xã hội?

+ Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, thì: “Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành cần lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên”, “Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội: Lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng”, ” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương ban hành quy định, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết”

+ Theo Quy định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, theo đó tại Điều 4 quy định Chủ thể giám sát và phản biện xã hội, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

+ Theo Quy định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng  Đảng, xây dựng chính quyền, tại khoản 1 Điều 4 quy định  Chủ thể góp ý:  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp.

* Tóm lại Theo Điều lệ Đảng, các Nghị quyết, Quy định 217, 218 nêu trên thì Đảng đều tách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thành 02 nhóm khác nhau.

2. Theo quy định của Nhà nước

+ Tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

2. Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị – xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.”

+ Theo Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015

“Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”

+ Theo Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì:

Tại khoản 3 Điều 4 quy định : “Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Tại điểm d khoản 2 Điều 61 Luật cán bộ, công chức thì:  Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cán bộ cấp xã.

Như vậy, theo Luật cán bộ, công chức thì Chủ tịch Ủy ban mặt trận TQVN xã thuộc người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội.

+ Theo Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức, thì

Điều 9. Công chức trong cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội

1. Ở Trung ương:

a) Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và người làm việc trong văn phòng, ban thuộc cơ cấu tổ chức ở Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức chính trị – xã hội);”

Như vậy, theo hướng dẫn Nghị định 06/2010/NĐ-CP thì người người làm việc mang tính chất chuyên môn ở cơ quan mặt trận được xác định là công chức. Và theo Luật cán bộ, công chức thì công chức ở cấp tỉnh, cấp huyện là người làm việc trong các cơ quan tổ chức chính trị – xã hội. Do đó, suy ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội.

* Tóm lại: Theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ghi rõ là tổ chức chính trị – xã hội mà “là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, theo các điều khoản của Luật Cán bộ, công chức (ĐIều 4, Điều 61 đã viện dẫn ở trên) và Nghị định 06/2010/NĐ-CP thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xác định là tổ chức chính trị – xã hội và những người làm trong tổ chức mặt trận được xác định là cán bộ, công chức tùy từng vị trí công tác được bầu hay tuyển dụng, bổ nhiệm.

3. Theo Luật và Điều lệ của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội

+ Theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX thì:

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.”

+ Theo Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản thì

“Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện”

+ Theo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam thì

“Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị – xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.”

+ Theo Điều lệ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì

“Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam  là tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.”

+ Theo Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam thì

“Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể chính trị – xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.”

+ Theo Luật Công đoàn thì

“Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”

Như vậy, theo Luật Công đoàn, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Điều lệ Hội nông dân VIệt Nam thì đều xác định có 05 tổ chức chính trị – xã hội gồm: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Công Đoàn, Hội Nông dân; còn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “ là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”.

+ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022:

Tại khoản 2 Điều 28 quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch đã được thông qua. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân ít nhất là 20 ngày kể từ ngày công khai nội dung lấy ý kiến. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể thời hạn lấy ý kiến Nhân dân thì thực hiện theo quy định đó.

Điểm c khoản 2 Điều 86: UBND cấp xã có trách nhiệm Xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội cấp xã;

Như vậy, theo quy định các văn bản của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…. Điều lệ Mặt trận, Luật Mặt trận thì không thể hiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội; tuy nhiên theo Luật cán bộ, công chức, Nghị định 06/2010/NĐ-CP thì những người làm việc trong cơ quan mặt trận từ Trung ương đến cấp xã được xác định là cán bộ, công chức.

Trên đây là các quy định liên quan của Đảng, Nhà nước, điều lệ của các tổ chức chính trị – xã hội liên quan đến vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị; rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phải là tổ chức chính trị – xã hội hay không?

Ý kiến phản hồi vui lòng để ở mục bình luận hoặc gửi qua mail trangtinphapluat2019@gmail.com hoặc zalo 0935634572.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *