Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản
Thứ nhất, một số hành vi đã quy định nhưng khó áp dụng trong thực tế hoặc không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần sửa đối như:
– Khoản 3 Điều 35 quy định xử phạt đối với hành vi nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản chậm từ 15 ngày đến dưới 30 hiện trong thực tế ngày kể từ ngày cuối cùng của kỳ báo cáo (nộp trong thời gian từ ngày 15 tháng 1 đến trước ngày 30 tháng 1 hàng năm). Tuy nhiên, điểm a khoản 4 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP lại cho phép thời hạn nộp báo cáo định kỳ trước ngày 01 tháng 02 hàng năm.
– Khoản 6, Điều 35 quy định “Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến dưới 03 tháng đối với trường hợp đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng không đầy đủ theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Tuy nhiên chưa nói đến ”không đầy đủ” ở mức độ nào, đã nộp được 50% hay 80%…, kể cả doanh nghiệp nộp 1% trong số tiền phải nộp, cũng gọi là đã nộp nhưng không đầy đủ.
– Đối với hành vi về cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản (khoản 1 và khoản 2 Điều 36) chưa quy định với hành vi đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác nhưng chưa tiến hành bàn giao theo quy định, không quản lý để mất mốc đã cắm và bàn giao.
– Đối với hành vi khai thác vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 36 (đến dưới 01 m, từ 01 mét đến dưới 02 m, từ 02 m đến dưới 05 m, từ 05 m trở lên) còn nhiều bất cập vì một số tổ chức, cá nhân khai thác vượt phạm vi ranh giới độ sâu cho phép nhưng chỉ trong phạm vi diện tích rất nhỏ.
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
– Đối với hành vi vi phạm như khai thác khoáng sản ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 8 Điều 36 là: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính” còn chưa cụ thể về cách tính số lợi bất hợp pháp dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khó khăn trong việc áp dụng.
– Tại khoản 4 Điều 44 quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép từ 50 m3 trở lên. Quy dịnh này sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện đấu tranh, xử lý đối với các đối tượng khai thác cát trái phép do các đối tượng này sẽ sử dụng các phương tiện nhỏ hơn 50 m3 để khai thác, vận chuyển.
Thứ hai, có nhiều hành vi mới trong thực tế nhưng chưa đề cập trong Nghị định 33 cần bổ sung như:
– Trường hợp không lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đối với giấy phép cấp trước ngày Luật khoáng sản 1996 có hiệu lực nhưng có nội dung không phù hợp quy định của Luật khoáng sản hiện hành.
– Trường hợp phải điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, nhưng tổ chức, cá nhân không nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
– Trường hợp khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
– Trường hợp, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 có hiệu lực thi hành nhưng không nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh theo thẩm quyền cấp phép khai thác.
– Trường hợp không nộp Báo cáo đột xuất hoạt động khoáng sản theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản.
– Trường hợp báo cáo sản lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm sai so với thực tế.
(Tổng hợp sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chinh và cách xử lý)
– Trường hợp cơ quan nhà nước yêu cầu giám định mà kết quả giám định cho thấy thông tin tổ chức, cá nhân cung cấp sai thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn trả chi phí giám định quy định (cho các hành vi khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép, lập bản đồ hiện trạng mỏ không đúng thực tế).
– Đã quá thời hạn từ 30 ngày trở lên trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các hình thức xử phạt.
– Đã quá thời hạn trong thông báo kết quả kiểm tra, kết luận thanh tra nhưng không có báo cáo kết quả thực hiện việc khắc phục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không thuộc trường hợp bất khả kháng v.v….
Rubi