Thẩm quyền đăng ký nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

Bạn đọc ở địa chỉ mail thang…@gmail.com hỏi: Trường hợp trẻ bị bỏ rơi ở xã A, xã A lập biên bản nhưng người xã B nhận tạm thời làm nuôi dưỡng (sau cũng sẽ nhận làm con nuôi)  thì xã nào đăng ký khai sinh, xã nào đăng ký nuôi con nuôi.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Về thẩm quyền đăng ký nhận con nuôi

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi thì thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi như sau:

” Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.”

Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi
Thẩm quyền đăng ký nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi thì thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi như sau: 

“Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi”.

Căn cứ vào quy định trên và nội dung câu hỏi thì trường hợp xã A đã lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thì xã A thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi.

2. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

Thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em được nhận làm con nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch, cụ thể:

Theo quy định tại Điều 13 của Luật Hộ tịch thì: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.

Và theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Hộ tịch thì: Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.

Căn cứ vào quy định trên thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được nhận làm con nuôi được thực hiện tại UBND xã B, nơi người xã B đang cư trú nhận con nuôi.

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com về thẩm quyền đăng ký khai sinh và thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi. Mọi thắc mắc vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Quốc Huy

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *