Câu hỏi đề thi vòng 2 viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc cơ cấu đề thi vòng 2, nghiệp vụ chuyên ngành thi viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo để bản đọc tham khảo phục vụ thi giáo viên.

– Môn: Nghiệp vụ chuyên ngành.

– Hình thức: Thi viết, Thời gian: 180 phút.

– Kết cấu đề thi: 3 câu, thang điểm 100.

  1. Đối với vị trí dự tuyển khối Nhân viên

* Đối với vị trí tuyển dụng thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ:

+ Câu 1 (50 điểm): Sự hiểu biết của thí sinh về pháp luật viên chức.

+ Câu 2 (50 điểm): Vận dụng các quy định của Trung ương, của tỉnh để giải quyết các tình huống thực tế chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm tuyển dụng theo từng lĩnh vực.

Tài liệu thi vòng 2 viên chức Ngành Giáo dục
Tài liệu thi vòng 2 viên chức Ngành Giáo dục

* Đối với các vị trí tuyển dụng thông thường:

– Câu 1 (30 điểm): Sự hiểu biết của thí sinh về các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, đề án…của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng.

– Câu 2 (30 điểm): Vận dụng các quy định của Trung ương, của tỉnh để giải quyết các tình huống thực tế gắn với lĩnh vực dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng đối với từng chức danh nghề nghiệp.

– Câu 3 (40 điểm): Sự hiểu biết của thí sinh về Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn. Liên hệ để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến pháp luật viên chức.

 2. Đối với vị trí dự tuyển khối Giáo viên

* Cơ cấu câu hỏi cấp Mầm non

Đề số 1:

– Câu 1 (30 điểm):

+ Điều lệ trường Mầm non (15 điểm);

+ Xử lý tình huống sư phạm (15 điểm).

– Câu 2 (30 điểm): Sự hiểu biết của thí sinh về Chương trình giáo dục mầm non.

– Câu 3 (40 điểm): Soạn kế hoạch bài dạy (trong giới hạn 20 tiết bài theo Kế hoạch dạy học môn học).

Đề thi giáo viên mầm non tỉnh Quảng Nam năm 2020

Câu 1: 30đ: Anh chị hãy trả lời các câu hỏi sau:

  1. Thế nào là   đánh giá sự phát triển của trẻ?
  2. Trình bày nội dung, phương pháp đánh giá trẻ hằng ngày?

Câu 2. 50 đ: Anh chị hãy thiết kế kế hoạch (giáo án) hoạt động  góc (hoạt động chơi) cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi với chủ đề “Mùa xuân của bé”

Câu 3. 20đ

Trong quá trình tham gia các hoạt động vui chơi tại trường, trẻ vô ý bị té ngã gãy xương cẳng tay. Là giáo viên, anh chị xử lý tình huống này như thế nào?

* Cơ cấu câu hỏi cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông

– Câu 1 (30 điểm):

+ Sự hiểu biết của thí sinh về Chương trình giáo dục tổng thể, chương trình giáo dục môn học và hoạt động giáo dục của cấp học (15 điểm);

+ Xử lý tình huống sư phạm (15 điểm).

– Câu 2 (30 điểm): Vận dụng kiến thức chuyên môn, phương pháp, kĩ thuật dạy học để hướng dẫn học sinh giải quyết nội dung kiến thức môn học hoặc một vấn đề về chuyên môn của môn học hoặc kiểm tra kiến thức chuyên môn của môn học.

– Câu 3 (40 điểm): Soạn kế hoạch bài dạy (trong giới hạn 20 tiết bài theo Kế hoạch dạy học môn học).

* Đề thi giáo viên THCS môn Ngữ Văn tỉnh Bình Định 2019

Câu 1. 30đ: Trong giờ ngữ văn lớp 7, tiết học bài Điệp ngữ, sang hoạt động luyện tập giáo viên cho học sinh đặt câu có sử dụng điệp ngữ. Giáo viên chỉ định em An trình bày sản phẩm cá nhân. An đứng lên trình bày: Thưa…thưa..thưa..thưa cô, em…em…

Nghe vậy, cả lớp cười phá lên. An đỏ mặt, ngượng nghịu ngồi xuống. Ngay khi ấy, em Mạnh ngồi ở cuối lớp, nhanh nhẩu nói lên: Đó, đó cô ơi, bạn vừa trình bày xong điệp ngữ đó cô!

Là giáo viên bộ môn trong tình huống đó anh, chị xử lý như thế nào?

Câu 2. 70đ

Anh, chị hãy soạn kế hoạch dạy học (giáo án) một tiết dạy trên lớp bài Điệp ngữ, SGK Ngữ văn 7, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam.

* Đề thi giáo viên trung học cơ sở – vị trí giáo viên Ngữ văn (Huyện Thanh Oai)

Câu 1. 50 điểm

Anh/chị hãy soạn kế hoạch dạy học  một tiết trên lớp, bài “Viếng lăng Bác” Viễn Phương trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 2, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, năm 2018 (có văn bản bài học kèm theo)

Câu 2. 40 điểm

Anh/chị hãy hướng dẫn học sinh giải bài tập sau:

Trong phần mở đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” Thanh Hải, tác giả dùng đại từ “tôi”, sang phần sau lại dùng đại từ “ta”. Theo em, tại sao lại có sự chuyển đổi đại từ nhân xưng ấy của chủ thể trữ tình?

Câu 3. 10 điểm

Vinh là học sinh lớp 9C của một trường THCS, tính tình nhút nhát, e ngại, em luôn bối rối mỗi khi các thầy, cô giáo gọi lên bảng kiểm tra bài, vì thế luôn bị điểm kém, dẫn đến thiếu tự tin vào khả năng học tập của mình.

Từ đó em lại càng ít học bài hơn vì nghĩ rằng đằng nào mình cũng bị các thầy cô cho là học kém rồi.

Nếu là giáo viên đang giảng dạy trong lớp, anh/chị làm gì để giúp em Vinh ổn định trạng thái tâm lý, để tiến bộ trong học tập?

* Đề thi Giáo viên THCS: Môn Lịch sử

Câu 1 (20 điểm): Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông mon lịch sử và địa lý cấp THCS năm 2018, anh (chị) hãy:

a) Nêu tên các thành phần của năng lực lịch sử. Cho biết biểu hiện “Khai thác và sử dụng được thông tin của một số tư liệu lịch sử đơn giản dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong các bài học lịch sử” thuộc thành phần năng lực lịch sử nào?

b) Sắp xếp các yêu cầu cần đạt trong bảng dưới đây  thuộc chủ đề “Thời nguyên thủy”  (Lớp 6 – Lịch sử) vào đúng nội dung tương ứng trong chủ đề :

A. Nguồn gốc loài người

B. Xã hội nguyên thủy

C. Sự chuyển biến từ xã hội nguyên thủy  sang xã hội có giai cấp

TTYêu cầu cần đạt
1Nhận biết được vai trò của lao động đối với quá trình phát triển của người nguyên thủy của con người cũng như xã hội loài người
2Trình bày được quá trình phát hiện ra kim loại và vai trò của nó đối với sự chuyển biến từ xã hội nguyên thủy sang xã hội có giai cấp
3Kể được tên những địa điểm tìm thấy dấu tích của người tối cổ trên đất nước Việt Nam
4Giải thích được vì sao xã hội nguyên thủy tan rã
5Mô tả được sự hình thành xã hội có giai cấp
6Mô tả được sơ lược các giai đoạn tiến triển  của xã hội người nguyên thủy
7Xác định được dấu tích của người tối cổ  ở Đông Nam Á
8Trình bày được những nét chính  về đời sống của người nguyên thủy (vật chất, tinh thần, tổ chức xã hội,…)
9Giới thiệu được sơ lược quá trình tiến hóa  từ vượn người thành người trên trái đất
10Nêu được đôi nét về đời sống người của nguyên thủy  trên đất nước Việt Nam

Câu 2 (30 điểm) Dựa vào nội dung bài 12 – lịch sử 6 (phụ lục gửi kèm) anh chị thiết kế hoạt động hình thành  kiến thức theo các yêu cầu sau:

a) Xác định mục tiêu

b) Nêu các nhiệm vụ học tập chuyển giao cho học sinh

c) Nêu phương án đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh

Câu 3 (20 điểm)

Dựa vào nội dung bài 12 – Lịch sử lớp 6 (phụ lục gửi kèm) anh, chị hãy:

Thiết kế 3 câu hỏi trắc nghiệm khách quan  (mỗi câu hỏi có 4 phương án lựa chọn, trong đó có 01 phương án đúng)  theo các mức độ nhận biết, thông hiểu,  và vận dụng. Nêu phương án đúng của các câu hỏi; phân tích phương án nhiễu của câu hỏi vận dụng.

Câu 4 (30 điểm)

Chọn và phân tích 03 đóng góp lớn nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho dân tộc Việt Nam trong 50 năm đầu của thế kỷ XX

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *