Tổng hợp các văn bản có hiệu lực trong tháng 9 năm 2017

  1. Mức trợ cấp hàng tháng với cán bộ xã

Theo Thông tư 04/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 1-7-2017 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP và Quyết định 111-HĐBT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9, theo đó: Mức trợ cấp đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã là 1.846.000 đồng/tháng; nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã là 1.786.000 đồng/tháng; Đối với các chức danh còn lại, mức trợ cấp là 1.653.000 đồng/tháng.

Mức trợ cấp đối với cán bộ xã
Mức trợ cấp đối với cán bộ xã

Theo Thông tư, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc bằng mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6-2017 nhân (x) với 1,0744.

Chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 1-7-2017.

2. Sửa quy định quản lý tài chính dự án đầu tư theo đối tác công tư

Theo Thông tư 75/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 55/2016/TT-BTC quy định nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư, có hiệu lực từ ngày 05/9/2017 thì:

Trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận phải đảm bảo theo các nguyên tắc: Không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng dự án) trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án. Mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước hoặc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Trường hợp số phiên đấu thầu phát hành thành công trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án trong vòng 06 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án nhỏ hơn 10 phiên, mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.

Không vượt quá mức lãi suất trung bình cho vay trung hạn và dài hạn của 04 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.

Thông tư 75 cũng bổ sung nội dung: Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án được xác định như sau: Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 10 năm thì sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 10 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.

Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện trên 10 năm và đến 15 năm: Sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 15 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.

Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện trên 15 năm: Sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 20 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.

Thông tư 75 có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2017.

  1. Tam Kỳ có 04 xã, phường nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai

Ngày 20/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2017/QĐ-TTg sửa đổi Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam kèm theo Quyết định 24/2010/QĐ-TTg (có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2017), Theo đó, khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai được bố trí tại xã Tam Quang và một phần xã Tam Nghĩa, có quy mô 1.012 ha gắn với sân bay Chu Lai.

Khu kinh tế mở Chu Lai bao gồm thị trấn Núi Thành và các xã: Tam Quang, Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Tiến và một phần xã Tam Nghĩa thuộc huyện Núi Thành; các xã Tam Thanh, Tam Phú, một phần xã Tam Thăng và phường An Phú thuộc thành phố Tam Kỳ; các xã Bình Hải, Bình Sa, một phần xã Bình Nam, Bình Trung, Bình Tú, Bình Triều, Bình Minh, Bình Đào thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

  1. Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện

Ngày 17/7/2017, Chính phủ  ban hành Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính Phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường (nghị định có hiệu lực từ ngày 5/9/2017), theo đó: Để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, cơ sở giáo dục cần bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học.

Đồng thời, thực hiện công tác y tế trường học, công tác tư vấn, công tác trợ giúp người học; thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.

Nghị định còn quy định rõ các biên pháp phòng ngừa bạo lực học đường và hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường.

5. Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Ngày 17/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2017/NĐ-CP  quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2017, theo đó: Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:

– Đối với khai thác nước mặt: Khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi.

– Đối với khai thác nước dưới đất: Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi; khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1 – 2%. Cụ thể, khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện mức thu 1%; khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ mức thu 2%; khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, trừ nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi mức thu 1,5%.

Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác; khai thác nước mặt, nước dưới đất để làm mát máy, thiết bị, tạo hơi thì mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là 0,2%. Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc là 0,1%.

  1. Đánh giá cán bộ, công chức vào tháng 12 hằng năm

Theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP  của Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017).

Theo đó các nội dung sửa đổi, bổ sung như sau:

          – Thời điểm đánh giá, phân loại được tiến hành trong tháng 12 hàng năm và được tiến hành trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

          – Khi tiến hành đánh giá, phân loại đối với cấp phó thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định quyết định đánh giá, phân loại đối với cấp phó do mình bổ nhiệm; trong trường hợp theo phân cấp quản lý cấp phó không do người đứng đầu cơ quan, đơn vị bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình.

          – Tiêu chí đánh giá, phân loại viên chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ không yêu cầu “có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.

          – Khi xây dựng các tiêu chí chi tiết để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức đơn vị xây dựng các tiêu chí phải tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

  1. Vứt gia cầm mắc bệnh, chết ra môi trường bị phạt đến 6 triệu đồng

Ngày 31/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP   quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2017), theo đó:

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm.

Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.

Đối với hành vi sử dụng thuốc thú y trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam để phòng bệnh cho động vật sẽ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.

8. Hướng dẫn đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Theo Thông tư 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Thông tư này có hiệu lực từ 15/09/2017).

Theo đó Thông tư này quy định về việc đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã. Cụ thể, đối tượng tham gia đánh giá là tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã và đã được trả kết quả giải quyết trong năm đánh giá hoặc năm trước liền kề.

Số lượng đối tượng tham gia hằng năm phải đạt tối thiểu 15% trở lên số lượt thủ tục hành chính tại cấp xã đã được giải quyết và trả kết quả của năm trước liền kề năm đánh giá.

Việc tổ chức đánh giá sự hài lòng bằng Phiếu lấy ý kiến được thực hiện nhiều lần vào cuối tháng, cuối quý hoặc 06 tháng một lần theo điều kiện thực tế của địa phương.

Hằng năm, UBND cấp tỉnh sẽ có những hướng dẫn cụ thể căn cứ quy định về hình thức đánh giá của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã và tình hình thực tế tại địa phương.

  1. Từ ngày 25/9/2017, Văn phòng HĐND-UBND cấp huyện thực hiện chức năng kiểm soát thủ tục hành chính

Ngày 07/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/9/2017, theo đó: Bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính của Phòng Tư pháp được quy định tại Khoản 2 ĐIều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Và nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính được chuyển giao cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dâp cấp huyện. Cụ thể sửa đổi khoản 7 Điều 10 Nghị định 37/2014/NĐ-CP như sau:

Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Tham mưu tổng hợp cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân về: Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân về chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; kiểm soát thủ tục hành chính; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chuyển hồ sơ đến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết và nhận kết quả để trả cho cá nhân, tổ chức.

  1. Hướng dẫn thực hiện phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo

Ngày 10 tháng 8 năm 2017, Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH​ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25/9/2017.

​          Theo đó Thông tư này áp dụng với các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP bao gồm: Nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. Nhà giáo chuyên trách, nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật. Nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Các đối tượng trên thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy trong trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập.

Tiền phụ cấp đặc thù = Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương cơ sở/ (Định múc giờ giảng của nhà giáo trong một năm/12 tháng) x Số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế trong tháng x 10%.

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc giờ dạy người khuyết tật hằng tháng = Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở.

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật hằng tháng = (Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm/12 tháng) x Số giờ dạy người khuyết tật thực tế trong tháng.

Tiền phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật hàng tháng = Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương cơ sở x Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng.

Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hằng tháng = (Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm/12 tháng) x Số giờ dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế trong tháng.

  1. Hồ sơ xóa nợ thuế với DN phá sản

Theo Thông tư 79/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung tiết b1 điểm b khoản 4 Điều 48 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực ngày 15-9, theo đó: Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, hồ sơ xóa nợ tiền thuế bao gồm: Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; Tài liệu phân chia tài sản của chấp hành viên thể hiện số nợ thuế thu hồi được và không thu hồi được; Quyết định về việc đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản của cơ quan thi hành án dân sự. Các tài liệu này phải là bản chính hoặc sao y bản chính. Theo quy định cũ, hồ sơ xóa nợ tiền thuế của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chỉ bao gồm: Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản kèm theo phương án phân chia tài sản và Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án. Đồng thời, các tài liệu chỉ cần là bản sao có công chứng hoặc chứng thực.

  1. Nhà mạng phải thông báo việc tự động gia hạn dịch vụ

Theo Thông tư 08/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, có hiệu lực từ ngày 21-9 quy định thì: Các nhà mạng di dộng phải gửi tin nhắn ngắn SMS tới các thuê bao đã đăng ký sử dụng dịch vụ định kỳ để thông báo về việc tự động gia hạn. Nội dung thông báo gồm các thông tin: Tên dịch vụ, mã, số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn khách khàng. Với các dịch vụ định kỳ ngày, tuần, nhà mạng phải thông báo 7 ngày/lần kể từ ngày đăng ký thành công; với các dịch vụ định kỳ tháng, năm, phải thông báo 30 ngày/lần kể từ ngày đăng ký thành công. Thời gian gửi thông báo từ 7 giờ đến 22 giờ.

  1. Tổ chức kiểm tra sức khỏe cho trẻ em

Theo Thông tư 23/2017/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em, có hiệu lực từ ngày 15-9 quy định: Bộ Y tế yêu cầu tổ chức khám tổng quát và kiểm tra sức khỏe cho trẻ em mỗi năm một lần. Trẻ từ khi sinh đến trước khi vào học mầm non và trẻ dưới 6 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn về các nội dung: Đo chiều cao, cân nặng để đánh giá về phát triển thể lực; Khám toàn diện để đánh giá về phát triển tinh thần, vận động, phát hiện bệnh tật, các dấu hiệu bất thường và nguy cơ về bệnh tật; Kiểm tra tiêm chủng theo lịch và tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em chưa tiêm và có nhu cầu…

Trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã theo nội dung ghi trong Hồ sơ quản lý sức khỏe.

Trẻ là học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe tại trường vào đầu năm học.

  1. 4.UBND tỉnh quy định mức chi công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017 của HĐND tỉnh (khóa IX), quy định nội dung, mức chi đảm bảo hoạt động cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; ngày 29/8/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3148/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này trên địa bàn tỉnh.

Theo Quyết định số 3148/QĐ-UBND, hồ sơ phức tạp theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017: là hồ sơ có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt vượt quá 7 ngày (tối đa là 30 ngày), kể từ ngày lập biên bản hoặc hồ sơ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ và gia hạn thêm thời gian (không quá 30 ngày) để xử lý (thời hạn tối đa để ra quyết định xử phạt là 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính).

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh và theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng quy định.

Mức chi theo Quyết định số 3148/QĐ-UBND được áp dụng kể từ ngày 01/9/2017./.

  1. Mức thu lệ phí hộ tịch, lệ phí đăng ký cư trú, lệ phí chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

          Theo Quyết định 3057/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc áp dụng thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch, lệ phí đăng ký cư trú, lệ phí chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 15 Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 và Điều 1, Điều 2 Nghị quyết 28/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam  khóa IX.

          Thời điểm áp dụng từ ngày 01/9/2017, cụ thể mức thu lệ phí như sau:

+ Lệ phí hộ tịch

Mức thu áp dụng đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã:

ĐVT: đồng/trường hợp

TTNội dungMức thu
1Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân)10.000
2Khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử không đúng hạn, đăng ký lại khai tử)10.000
3Kết hôn (đăng ký lại kết hôn)30.000
4Nhận cha, mẹ, con15.000
5Thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch15.000
6Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác hoặc đăng ký hộ tịch khác10.000

       Mức thu áp dụng đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện:

ĐVT: đồng/trường hợp

TTNội dungMức thu
1Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân)75.000
2Khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai tử)75.000
3Kết hôn (bao gồm đăng ký kết hôn mới, đăng ký lại kết hôn)1.500.000
4Giám hộ, chấm dứt giám hộ75.000
5Nhận cha, mẹ, con1.500.000
6Thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước; xác định lại dân tộc; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch có yếu tố nước ngoài.30.000
7Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài75.000
8Đăng ký hộ tịch khác75.000

Lệ phí đăng ký cư trú

ĐVT: đồng/lần đăng ký

TTNội dungMức thu
Các phường thuộc thành phố Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện BànKhu vực khác
1Cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu; sổ tạm trú cho hộ gia đình, cho cá nhân20.00010.000
2Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.10.0005.000
3Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.10.0005.000
4Gia hạn tạm trú.10.0005.000

Lệ phí chứng minh nhân dân

ĐVT: đồng/lần cấp

Nội dungMức thu
Các phường thuộc thành phố Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện BànKhu vực khác
Cấp lần đầu, cấp lại, cấp đổi.10.0005.000

 Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *