Trangtinphapluat.com biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc các văn bản pháp luật quan trọng được ban hành từ ngày 10/9/2018 đến ngày 16/9/2018 như: Hóa đơn điện tử; các trường hợp ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng; chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp; Sửa đổi về tiền lương trong Bộ luật Lao động…
1. Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí
Ngày 12/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018, theo đó các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí, trong đó gồm:
– Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ;
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp;
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn;
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;
Để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính có thể quyết định một số trường hợp khác được sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí.
2, Hai trường hợp ngân hàng được cung cấp thông tin khách hàng
Ngày 11/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là ngân hàng), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018.
Nghị định này quy định tương đối chặt chẽ về việc bảo vệ bí mật, thông tin khách hàng tại các ngân hàng. Cụ thể:
– Ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng trong hai trường hợp: Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng được quy định tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Có sự chấp thuận của khách hàng.
– Ngân hàng không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng (mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập…) cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba khi không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng chỉ rõ, khi khách hàng thấy ngân hàng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp, sử dụng thông tin của mình không đúng quy định có quyền khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3.Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 25/10/2018, theo đó tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:
– Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);
– Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng);
Để khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nghị định cũng bổ sung quy định: Doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có thể được ngân hàng xem xét cho vay không tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án.
4. Sửa đổi về tiền lương trong Bộ luật Lao động
Ngày 13/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương, theo đó: Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Kết hợp quân dân y trong khám, chữa bệnh
Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2018/NĐ-CP quy định về công tác kết hợp quân dân y, trong đó quy định cụ thể về kết hợp quân dân y trong phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế.
Cụ thể, nội dung kết hợp trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế gồm: Tổ chức thu dung, khám bệnh, điều trị cho nhân dân và lực lượng vũ trang tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn kỹ thuật liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu về bệnh học và các phương pháp điều trị bệnh; nghiên cứu phát triển các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức triển khai các chương trình y tế tại địa phương.
6. Sửa đổi một số quy định về giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 13/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư công và Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, có hiệu lực từ ngày 13/9/2018, theo đó:
– Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 76 của Luật Đầu tư công.
– Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài đến hết ngày 31 tháng 12 năm sau năm kế hoạch.
Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm của từng dự án sang các năm sau, nhưng không quá thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 của Luật đầu tư công.
– Đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài:
Phần vốn nước ngoài đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công hằng năm và đã được Chính phủ Việt Nam nhận nợ nhưng chưa giải ngân, thời gian thực hiện và giải ngân được kéo dài đến hết ngày 31 tháng 12 năm sau năm kế hoạch.
Phần vốn nước ngoài đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng Chính phủ Việt Nam chưa nhận nợ và chưa giải ngân, sau khi kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước, hủy dự toán đối với số vốn chưa giải ngân.
Trường hợp đặc biệt, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách năm sau nhưng không vượt quá tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định.