Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu các văn bản được ban hành từ 22/4-01/5/2019 như: Quy định xử phạt hành chính lĩnh vực lâm nghiệp, Nghị định 34/2019/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách, tăng cường xử lý tín dụng đen…
1. Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp
Ngày 25/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, có hiệu lực từ ngày 10/6/2019.
Theo đó, cá nhân có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép (từ thời điểm lâm sản đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó, thì bị xử phạt như sau:
Vận chuyển động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá dưới 15 triệu; Gỗ thuộc loài thông thường dưới 02 m3; Thực vật rừng ngoài gỗ trị giá dưới 15 triệu đồng;… thì bị phạt tiền từ 05 – 15 triệu đồng.
Vận chuyển ngà voi có khối lượng dưới 0,3 kg; Thực vật rừng ngoài gỗ trị giá từ 180 – 210 triệu đồng; Động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá từ 180 – 210 triệu đồng;… thì bị phạt tiền từ 180 – 210 triệu đồng.
2. Từ 25/6/2019 thực hiện khoán kinh phí cho người hoạt động không chuyên trách
Ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, có hiệu lực 25/6/2019.
(Xem bài viết Quy định về xếp lương đối với công chức cấp xã)
Theo đó người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để chi trả hăng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:
(Xem bài viết Quy định về Thi tuyển công chức cấp xã)
– Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;
– Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;
– Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.
- Chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB tối đa 50 năm
Ngày 23/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 33/2019/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có hiệu lực 17/6/2019.
Theo đó, việc chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (GTĐB) được thực hiện thông qua Hợp đồng chuyển nhượng, thời hạn của hợp đồng do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 50 năm. Các bên giao kết hợp đồng có thể điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp doanh thu từ hoạt động khai thác tài sản trong thời gian chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tăng hoặc giảm liên tục 03 năm liền với mức trên 10%/năm.
- Tăng cường đấu tranh với “tín dụng đen”
Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Theo đó, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen , góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thì:
– Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen nói riêng, bảo vệ quyền, lợi ích, tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp…
– Tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của tín dụng đen và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ, biêu, phường thời gian qua để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật…
- Tăng cường xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.
(Xem bài viết Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức)
Thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần. Tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp có giám sát bằng công nghệ hiện đại như ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến.
rubi