- VĂN BẢN TRUNG ƯƠNG
- Phải công khai báo cáo tài chính Nhà nước
Ngày 14/03/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính Nhà nước, quy định báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc và tỉnh được lập theo kỳ kế toán năm được tính từ ngày 01/01 – 31/12 năm dương lịch.
Các đơn vị có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính Nhà nước và các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ cung cấp thông tin để lập báo cáo bao gồm: Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước các cấp; Cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách Nhà nước các cấp; Cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; Cơ quan Nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước; Cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; Đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh UBND tỉnh và Bộ Tài chính phải công khai báo cáo tài chính Nhà nước tỉnh và báo cáo tài chính Nhà nươc toàn quốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày được báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Quốc hội.
Việc công khai báo cáo tài chính Nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức như phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nội dung công khai bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; Nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ Nhà nước trên phạm vi tỉnh (với báo cáo tài chính Nhà nước tỉnh); Nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ Nhà nước trên phạm vi toàn quốc (với báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc)…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Tiêu chí xác định Đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa
Ngày 09/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2017/NĐ-CP quy định về Đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa.
Nghị định chỉ rõ, Đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa là những Đồn biên phòng có 01 trong 03 tiêu chí sau: Đóng quân và quản lý các xã miền núi, xã đảo, vùng biển có địa hình tự nhiên phức tạp, hiểm trở, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm hành chính huyện; Đóng quân và quản lý các xã miền núi, hải đảo có phụ cấp khu vực từ 0,2 trở lên và phụ cấp đặc biệt từ 30% trở lên; Đóng quân và quản lý các xã, phường thuộc địa bàn trọng yếu về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Mức tiền pháp nhân phải nộp để bảo đảm thi hành án
Nghị định số 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã nộp.
Theo Nghị định này, mức tiền mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trong từng trường hợp cụ thể, nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.
Về mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, Nghị định quy định, trong trường hợp điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó. Trong trường hợp trong điều khoản được áp dụng không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể; mức tiền này không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.
Nghị định cũng chỉ rõ, tiền được nộp để bảo đảm thi hành án là Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ thuộc sở hữu hợp pháp của pháp nhân. Pháp nhân thực hiện nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Chế độ với người bị tam giữ, tạm giam
Ngày 06/11/2017, Chính phủ đã ra Nghị định số 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Nghị định chỉ rõ, định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm 17kg gạo tẻ loại trung bình, 15kg rau, 0,7kg thịt, 0,8kg cá, 45kwh điện, 3m3 nước… Ngoài tiêu chuẩn ăn này, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quà, tiền gửi lưu ký để ăn thêm nhưng không quá 03 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng định mức ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác và được ăn tăng thêm 30% định lượng về thịt cá. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật tương đương 30kg gạo tẻ loại trung bình.
Về chế độ mặc và tư trang, người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người, gồm: 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 áo ấm mùa đông và 01 chăn. Cơ sở giam giữ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mượn quần áo theo mẫu thống nhất, áo kiểu bludong dài tay, quần dài có chun, không đóng số, màu xanh lam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Nghĩa vụ nộp thuế của Vietlott
Tại Nghị định số 122/2017/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Chính phủ đã dành riêng một điều quy định về nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Cụ thể, Vietlott có trách nhiệm kê khai, quyết toán các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp tại trụ sở chính. Trên cơ sở số thuế phải nộp theo từng sắc thuế, Vietlott thực hiện phân bổ các khoản thuế phải nộp vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn.
Vietlott cũng có nghĩa vụ khấu trừ, kê khai và quyết toán khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp tại trụ sở chính. Việc phân bổ thuế TNCN phải nộp vào ngân sách địa phương được thực hiện như sau: Thuế TNCN đối với hoa hồng trả cho đại lý, phân bổ theo từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại lý phát sinh thu nhập chịu thuế; Thuế TNCN đối với người trúng thưởng, thực hiện phân bổ theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cá nhân đăng ký tham gia dự thưởng đối với phương thức phân phối thông qua điện thoại hoặc Internet và nơi phát hành vé xổ số đối với phương thức phân phối thông qua thiết bị đầu cuối.
Với các doanh nghiệp kinh doanh xổ số nói chung, Nghị định quy định các doanh nghiệp này chỉ được đầu tư ra bên ngoài đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số. Khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được trừ một số khoản chi phí đặc thù như: Chi phí trả thưởng; Chi hoa hồng đại lý cho các đại lý xổ số; Chi phí ủy quyền trả thưởng cho khách hàng trúng thưởng; Chi phí quay số mở thưởng…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Thủ tục xác định tiền sử dụng đất khi bán nhà ở xã hội
Ngày 14/11/2017, Chính phủ đã ra Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Một trong những nội dung mới của Nghị định này là quy định về trình tự, thủ tục xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người được mua, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện bán, chuyển nhượng. Cụ thể, người mua, thuê mua nhà ở xã hội có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội phải nộp hồ sơ xác định tiền sử dụng đất khi bán nhà ở xã hội.
Hồ sơ bao gồm: Văn bản của người mua, thuê mua nhà ở xã hội đề nghị xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi bán nhà ở xã hội; Hợp đồng mua, bán nhà xã hội; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc các giấy tờ, hồ sơ khi mua nhà ở xã hội theo quy định về nhà ở xã hội.
Trong tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thuế xác định số tiền sử dụng đất phải nộp. Việc ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất và thu nộp tiền sử dụng đất thực hiện theo quy định hiện hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
Ngày 15/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Theo quy định mới này, hoạt động dầu khí là hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này như hoạt động hình thành dự án dầu khí, hoạt động thương mại hóa dầu khí được khai thác từ dự án dầu khí của nhà đầu tư.
Nghị định cho phép nhà đầu tư được thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài. Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành sẽ được ghi tên trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Công ty điều hành được sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.
Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài có tên miền là dautunuocngoai.gov.vn hoặc fdi.gov.vn, được sử dụng để thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Áp thuế 0% với linh kiện ô tô nhập khẩu
Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Một trong những nội dung mới của Nghị định này là quy định về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế. Theo đó, linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.
Để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 và đạt đủ sản lượng theo quy định; Linh kiện nhập khẩu phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được…
Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và có số tiền thuế đã nộp đối với số linh kiện ô tô đã nhập khẩu lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì cơ quan hải quan thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Bán cổ phần ưu đãi cho người lao động bằng 60% mệnh giá
Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo đó, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp sẽ được mua cổ phần với giá ưu đãi. Cụ thể, người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc với giá bán bằng 60% giá trị 01 cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, người lao động phải nắm giữ số cổ phần bán với giá ưu đãi này và không được chuyển nhượng trong vòng 03 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.
Riêng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài trong ít nhất 03 năm thì được mua thêm mức 200 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng sở hữu tối đa không quá 2000 cổ phần. Trường hợp người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao được mua thêm mức 500 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng tối đa không quá 5000 cổ phần.
Người lao động có nhu cầu mua thêm cổ phần ngoài số cổ phần được mua với giá ưu đãi nêu trên, thì thực hiện đăng ký mua đấu giá công khai theo quy định như những nhà đầu tư khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Người bào chữa được tham gia niêm phong vật chứng
Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng tại Nghị định số 127/2017/NĐ-CP.
Theo đó, mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp: Vật chứng là động vật, thực vật sống; Vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; Những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong.
Người tham gia niêm phong vật chứng là: Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi thực hiện niêm phong vật chứng; Người liên quan, đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); Người bào chữa (nếu có). Người bào chữa được tham gia mở niêm phong vật chứng nếu xét thấy cần thiết.
Những người tổ chức thực hiện niêm phong, tham gia niêm phong vật chứng ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) vào giấy niêm phong (viết hoặc điểm chỉ rõ ràng bằng mực khó phai). Đồng thời, thực hiện đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng hoặc của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng vào giấy niêm phong. Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được, giấy niêm phong phải dán đè lên những phần quan trọng có tính xác định nguồn gốc, xuất xứ, đặc trưng của vật chứng và những phần ghép nối của vật chứng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Quy định về báo cáo điều tra hình sự
Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2017/NĐ-CP quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự, bao gồm: Báo cáo định kỳ; Báo cáo về vụ, việc và Báo cáo chuyên đề.
Trong đó, báo cáo định kỳ là tổng hợp, phân tích đánh giá và dự báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm; Kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Kết quả công tác bắt, giam giữ, tiếp nhận, xử lý tội phạm; Phương hướng công tác trọng tâm tiếp theo. Báo cáo định kỳ gồm báo cáo 03 tháng, 09 tháng và báo cáo năm.
Báo cáo về vụ, việc được hiểu là báo cáo về các vụ, việc có dấu hiệu làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; vụ, việc có khiếu kiện kéo dài nhiều năm; vụ, việc có tính chất nhạy cảm, phức tạp theo yêu cầu của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng…
Báo cáo chuyên đề là báo cáo sơ kết, tổng kết hoặc tổng hợp, đánh giá và dự báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm; kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm theo từng lĩnh vực.
Tất cả các báo cáo nêu trên đều phải được phân loại, xác định và đóng dấu độ mật theo quy định và chỉ được gửi đến nơi nhận đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Ngắt hoa, dẫm lên thảm cỏ công viên bị phạt đến 1 triệu đồng
Nội dung này được Chính phủ quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Cụ thể, thay vì chỉ bị phạt tiền tối đa đến 500.000 đồng, từ ngày 15/01/2018, người có hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.
Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vận dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên…
Đối với hành vi xây nhà ở không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định, cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định, hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng của nhà chung cư… sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2018.
- Ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 quy định chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Theo Nghị định này, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được tuyển dụng đáp ứng các tiêu chuẩn như: Đạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế trong thời gian học cấp THPT; Đạt giải ba trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học…
Việc tuyển dụng được thực hiện thông qua hình thức xét kết quả học tập và nghiên cứu; Phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Sau khi được tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp phải tập sự trong ít nhất là 03 tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tập sự, sinh viên được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm. Mức lương đối với sinh viên dao động từ hệ số lương 2,34 đến 3,00. Phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số hiện hưởng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2018.
- Từ năm 2018, tăng 6,5% lương tối thiểu vùng
Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đã được Chính phủ ban ngày 07/12/2017.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3,53 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng II; Mức 3,09 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp trên địa bàn vùng IV.Trong khi đó, trước đây, mức lương tối thiểu được quy định lần lượt là 3,75 triệu đồng/tháng; 3,32 triệu đồng/tháng; 2,9 triệu đồng/tháng và 2,58 triệu đồng/tháng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/01/2018; các mức lương nêu trên được thực hiện từ ngày 01/01/2018.
- Trợ giúp viên pháp lý hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 25% lương
Ngày 15/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý.
Cụ thể, trợ giúp viên pháp lý có các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định. Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có).
Nghị định cũng chỉ rõ, khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa 30 buổi làm việc/vụ việc; nếu theo hình thức khoán, luật sư được hưởng thù lao tối thiểu bằng 02 lần mức lương cơ sở/vụ việc và tối đa 10 lần mức lương cơ sở/vụ việc.
Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/vụ việc.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Tài khoản kế toán áp dụng cho hợp tác xã
Ngày 28/03/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quy định tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế.
Trong đó, tài khoản kế toán áp dụng cho hợp tác xã bao gồm loại tài khoản trong bảng (bao gồm các tài khoản từ loại 1 đến loại 6 và tài khoản loại 9) và loại tài khoản ngoài bảng (tài khoản loại 0); đối với các tài khoản trong bảng thì được hạch toán kép (nghiệp vụ kinh tế phát sinh được hạch toán vào bên Nợ của ít nhất một tài khoản và hạch toán vào bên Có của ít nhất một tài khoản khác);với các tài khoản ngoài bảng thì được hạch toán đơn (nghiệp vụ kinh tế phát sinh chỉ hạch toán vào bên Nợ hoặc bên Có của một tài khoản, không hạch toán đối ứng với tài khoản khác).
Về chứng từ kế toán, Thông tư quy định, chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu. Hợp tác xã được chủ động xây dựng, thiết kế biểu mẫu chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo đầy đủ các nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại Luật Kế toán, phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị mình trừ khi pháp luật có quy định khác. Sổ kế toán phải ghi rõ tên hợp tác xã; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa số; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã; số trang; đóng dấu giáp lai.
Thông tư này có hiệu lực áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2018.
- Luật sư được ngồi ngang bằng với đại diện Viện Kiểm sát
Tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/07/2017 quy định về phòng xử án, Tòa án nhân dân tối cao đã có một số điều chỉnh về cách bố trí phòng xử án so với trước đây.
Trước tiên, trong phòng xử án hình sự cấp sơ thẩm, phúc thẩm, Hội đồng xét xử (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa) được bố trí ngồi ở vị trí cao nhất, tiếp đó là vị trí của Thư ký phiên tòa; đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí ngồi ngang bằng nhau. Cách bố trí này thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử, bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo…
Bên cạnh đó, Thông tư này quy định áp dụng Bục khai báo dành cho bị cáo trong vụ án hình sự, thay cho vành móng ngựa hiện nay. Bục này nằm ở phía dưới vị trí của đại diện Viện Kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Quy chế tổ chức phiên tòa
Ngày 28/07/2017, Tòa án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC về việc ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa, áp dụng đối với các phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Thông tư nêu rõ, việc tổ chức phiên tòa phải đảm bảo nguyên tắc: Tiến hành đúng thời gian, địa điểm và thành phần người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử; Được tổ chức công khai, trừ trường hợp giữ bí mật Nhà nước, bảo vệ người dưới 18 tuổi; Đảm bảo yêu cầu về an ninh, trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án…
Nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các quy định: Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án; Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định; Việc ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên toà phải được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
Người vi phạm nội quy phòng xử án có thể bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án, khu vực xét xử hoặc bị xử phạt hành chính, tạm giữ hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Giá cước gửi hồ sơ giải quyết TTHC qua bưu điện
Ngày 29/09/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 22/2017/TT-BTTTT quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo Thông tư này, giá cước tối đa đối với dịch vụ nhận gửi hồ sơ được quy định cho từng khu vực và tương ứng với khối lượng hồ sơ từ 100g – 500g. Cụ thể, giá cước trong nội tỉnh từ 26.000 đồng – 30.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo, tính thêm 2.200 – 2.900 đồng. Giá cước liên tỉnh dao động từ 31.000 đồng – 51.000 đồng; mỗi 500g tiếp theo tính thêm 6.300 – 9.700 đồng; riêng giá cước nội vùng được quy định dao động từ 30.500 đồng – 32.500 đồng, mỗi 500g tiếp theo tính thêm 3.600 đồng. Với dịch vụ chuyển trả kết quả, mức giá cước tối đa cũng tương đương với giá cước nhận gửi hồ sơ.
Đối tượng được miễn giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả gồm: Người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/08/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đối tượng được giảm 50% giá cước bao gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động; Thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Vợ hoặc chồng, con đẻ, mẹ đẻ, bố đẻ của liệt sĩ; Người thuộc hộ nghèo; Người ở vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Giá cước dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước
Ngày 29/9/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BTTTT quy định mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương. Mức giá này bao gồm: Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1; Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ khẩn; Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ mật.
Trong đó, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính KT1 được quy định cho từng khu vực và nấc khối lượng từ 50g – 250g. Cụ thể, giá cước trong nội tỉnh dao động từ 11.364 – 15.000 đồng, mỗi 250g tiếp theo tính thêm từ 1.364 – 1.727 đồng. Giá cước liên tỉnh dao động từ 13.636 – 27.273 đồng, mỗi 250g tiếp theo tính thêm từ 4.545 – 6.818 đồng. Riêng nội vùng, giá cước được tính từ 13.182 – 15.455 đồng, mỗi 250g tiếp theo tính thêm 2.727 đồng.
Thông tư này cũng quy định, mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ khẩn bằng mức giá cước đối đa dịch vụ KT1 cộng với mức giá cước tối đa theo độ khẩn tương ứng hẹn giờ là 18.182 đồng; Hỏa tốc là 40.000 đồng. Mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C) bằng mức giá cước tối đa dịch vụ KT1 cộng với mức giá cước tối đa theo độ mật: Tuyệt mật (A) là 48.636 đồng; Tối mật (B) là 37.273 đồng; Mật (C) là 30.909 đồng.
Trường hợp sử dụng dịch vụ KT1 theo độ khẩn và theo độ mật thì mức giá cước tối đa là mức giá cước dịch vụ KT1 cộng mức giá cước theo độ khẩn, theo độ mật tương ứng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Chuyển mục đích sử dụng rừng phải có phương án trồng rừng thay thế
Ngày 15/11/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Cụ thể là quy định về tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; tiếp nhận và sử dụng tiền trồng rừng thay thế của các chủ đầu tư nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; quản lý sau đầu tư rừng trồng thay thế; xử lý rủi ro khi trồng rừng thay thế.
Theo đó, quản lý, thực hiện trách nhiệm trồng rừng thay thế phải đảm bảo nguyên tắc: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; Có phương án trồng rừng thay thế được cấp có thẩm quyền phê duyệt với diện tích ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác; hoặc chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế; Chủ đầu tư dự án phải tự tổ chức trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền để trồng rừng thay thế; Chủ đầu tư tự tổ chức trồng rừng thay thế phải có diện tích đất chưa có rừng được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng; Kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án; đơn giá trồng rừng thay thế do UBND cấp tỉnh quyết định.
Đối với diện tích rừng được hình thành do chủ đầu tư tự trồng, chủ đầu tư tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; được hưởng lợi và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Điều chỉnh mức giá tối đa đối với nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế
Tại Thông tư số 44/2017/TT-BYT ngày 16/11/2017, Bộ Y tế đã sửa đổi Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/03/2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp. Cụ thể:
Giá tối đa của nhiều dịch vụ được quy định giảm như: Dịch vụ đặt nội khí quản có giá mới là 555.000 đồng, trước đây là 1.113.000 đồng; Dịch vụ soi cổ tử cung, soi ối lần lượt là 58.900 và 45.900 đồng, trước đây là 6.180.000 và 1.260.000 đồng. Một số dịch vụ được quy định giá tối đa tăng như: Phẫu thuật điều trị sa trễ mi dưới, Phẫu thuật điều trị sập cầu mũi… Ngoài ra, Thông tư quy định dịch vụ chọc hút tủy làm tủy đồ sử dụng máy khoan cầm tay có giá 2.353.00 đồng.
Đối với các dịch vụ kỹ thuật chưa được quy định mức giá tối đa nhưng đã được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện thì áp dụng theo mức của các dịch vụ đã được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
- Bồi dưỡng 3-10 triệu đồng cho người tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ
Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 298/2017/TT-BQP ngày 01/12/2017 về việc Hướng dẫn thực hiện về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Cụ thể, người cung cấp thông tin chính xác, tìm kiếm, quy tập được hài cốt liệt sĩ được: Bồi dưỡng mức 03 triệu đồng đối với thông tin chính xác, tìm kiếm, quy tập được 01 hài cốt liệt sĩ; mức 10 triệu đồng đối với mộ tập thể có từ 06 hài cốt liệt sĩ trở lên; Người có thành tích xuất sắc về cung cấp thông tin chính xác được khen thưởng ngay sau khi có kết quả tìm kiếm, quy tập.
Trường hợp người được cấp có thẩm quyền huy động trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (bao gồm người dẫn đường, bảo vệ, trực tiếp tham gia các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ) được: Bồi dưỡng mức 220.000 đồng/người/ngày; Được đảm bảo tiền ăn bằng 02 lần mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; Được cấp tiền mua trang phục chuyên dùng, nếu có thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ tiềm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ 03 tháng trở lên; Được bố trí phương tiện đi lại hoặc thanh toán tiền đi lại; Trường hợp bị bệnh, bị thương được thanh toán viện phí, chi phí chuyển thương.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/01/2018. Các chế độ, chính sách và công tác bảo đảm hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 10/09/2017.
- Tiếp tục thực hiện ổn định tỉ lệ % phân chia, sử dụng nguồn thu ngân sách
Ngày 15/12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 132/2017/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Theo đó, 2018 là năm thứ hai trong thời kỳ ổn định ngân sách, thực hiện ổn định tỉ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Do vậy, tiếp tục phân chia, sử dụng một số khoản đặc thù như sau: Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với giấy phép do cơ quan Trung ương cấp thì thực hiện phân chia 70% số thu cho ngân sách Trung ương, 30% số thu cho ngân sách địa phương, đối với giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp thì giao 100% số thu cho ngân sách địa phương; Đối với nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí tối thiểu 50% số thu dự toán đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề và y tế.
Đồng thời, các địa phương lập phương án xác định phần ngân sách Nhà nước năm 2018 dự kiến giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh để mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định; tạo nguồn cải cách tiền lương, tăng chi cho y tế dự phòng…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 29/01/2018.
- VĂN BẢN ĐỊA PHƯƠNG
- Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam chuyển đến
Ngày 25/12/2017, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam chuyển đến, theo đó trách nhiệm của các địa phương được quy định như sau:
Trong thời gian đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cử Chủ tịch (hoặc phó Chủ tịch) UBND cấp huyện, cấp xã nơi tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri tham gia Hội nghị để kịp thời nắm bắt tình hình, trực tiếp giải quyết, trả lời các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương hoặc tiếp nhận để chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp, giải quyết trả lời cử tri được rõ.
UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri đầy đủ, chính xác, rõ ràng và đúng thẩm quyền giải quyết trước khi gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét…
Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam chuyển đến, có hiệu lực từ ngày 10/01/2018
- HĐND thành phố thông qua Đề án phát triển du lịch thành phố Tam Kỳ, giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 21/12/2017, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 299/NQ-HĐND về phát triển du lịch thành phố Tam Kỳ, giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, theo đó:
Mục tiêu chung là ưu tiên nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng và sản phẩm để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố; từng bước xây dựng du lịch thành phố trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh trong thời gian đến.
Một số chính sách hỗ trợ của thành phố trong giai đoạn 2018-2020 như sau:
– Hỗ trợ đầu tư xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng khu dân cư phát triển thành điểm du lịch: Thành phố hỗ trợ 300 triệu đồng/năm đối với khu dân cư khối phố Hương Trà Tây để đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, góp phần xây dựng điểm du lịch Làng sinh thái Hương Trà.
– Đối với các hộ kinh doanh homestay: Mỗi năm thành phố bố trí 60 triệu đồng để hỗ trợ đối với hộ cải tạo cho 10 nhà ở thành homestay sau đầu tư.