Những vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trangtinphapluat giới thiệu tới bạn đọc những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với 03 nghị định (Nghị định 103/2013/NĐ-CP, Nghị định 119/2013/NĐ-CP, Nghị định 157/2013/NĐ-CP):

  1. Thiếu các hành vi tại các nghị định xử phạt

Trong quá trình triển khai thực hiện, một số hành vi vi phạm phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được điều chỉnh tại các Nghị định xử phạt, gây khó khăn cho quá trình quản lý tại địa phương, cụ thể:

a) Lĩnh vực thủy sản: Nghị định 103/2013/NĐ-CP chưa điều chỉnh đối với một số hành vi vi phạm sau: Hành vi vận chuyển các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; hành vi vận chuyển, thu gom, lưu giữ thủy sản; hành vi vi phạm quy định về mặt nước nội đồng; hành vi hủy hoại rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển; hành vi sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản…

b) Lĩnh vực thú y, chăn nuôi: Nghị định 119/2013/NĐ-CP chưa quy định về một số hành vi vi phạm sau: Hành vi kinh doanh thuốc thú y đã hết hạn sử dụng; hành vi vận chuyển, thu gom, lưu giữ động vật, sản phẩm động vật chứa chất cấm trong thú y, chăn nuôi; hành vi mua, bán nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y cho các doanh nghiệp chưa được cấp phép; hành vi sử dụng nguyên liệu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc y tế, thuốc y tế để phòng, chữa bệnh động vật;…

Nghị định số 42/2019/NĐ-CP   Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
Vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực nông nghiệp

c) Lĩnh vực lâm nghiệp: Nghị định 157/2013/NĐ-CP  chưa quy định việc xử lý phương tiện bị người vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép thuộc trường hợp bị tịch thu theo quy định của khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Chưa phân định rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh gắn với mức phạt tiền. Luật không quy định cụ thể chức danh nào có thẩm quyền xử phạt đối với một lĩnh vực cụ thể. Do đó, các Nghị định xử phạt trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa phân định rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm của các chức danh, cụ thể:

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

a) Nghị định 157/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

b) Nghị định 103/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ, cụ thể thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thủy sản như Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục về thú y, thuỷ sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền

3. Một số hành vi có mức phạt chưa đảm bảo tính hợp lý hoặc chưa thống nhất mức phạt giữa các văn bản khác nhau về cùng một nội dung.

a) Hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ

Thực tiễn xử phạt của Thanh tra cho thấy: Mức xử phạt 5.000.000 – 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm này còn thấp và chưa đảm bảo hợp lý. Theo quy định xử phạt này, việc cố tình bơm nước vào động vật là gà và trâu, bò đều cùng bị một mức phạt, trong khi đó, trọng lượng cũng như giá trị của 02 động vật này khác nhau.

b) Hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại cơ sở giết mổ

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 119/2013/NĐ-CP, hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại cơ sở giết mổ sẽ áp dụng biện pháp xử lý “tiêu hủy” đối với động vật, sản phẩm động vật (Áp dụng cho cả 02 trường hợp (1) Phát hiện sản phẩm động vật sau khi giết mổ có chứa chất cấm. (2) Phát hiện động vật có chứa chất cấm trong thời gian tập kết, nuôi nhốt động vật tại cơ sở giết mổ).

Tuy nhiên, thực tiễn xử phạt của Thanh tra cho thấy việc xử lý tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ còn chưa phù hợp, vì sau 15 ngày sử dụng chất cấm, các tồn dư chất cấm trong động vật sẽ bị đào thải hết. Vì vậy, đối với trường hợp động vật đang tập kết, chưa giết mổ cần cho phép thời gian đào thải hết tồn dư chất cấm, không nên áp dụng biện pháp tiêu hủy ngay để giảm lãng phí cho xã hội.

c) Hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng

Điều 37 Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu không đạt chất lượng cho mỗi chỉ tiêu chất lượng theo các mức kiểm tra đạt từ 70% – 95% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hoá. Hàng hóa có kết quả kiểm tra đạt dưới 70% chưa được quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP. Như vậy, đối với kết quả kiểm tra đạt dưới 70% sẽ xảy ra 02 trường hợp sau:

– Trường hợp hàng hóa đạt dưới 70% là hàng giả: Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống. Trường hợp này được xử lý theo quy định tại Nghị định 175/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 175/2013/NĐ-CP.

– Trường hợp hàng hóa đạt dưới 70% nhưng không phải là hàng giả: Hàng hóa có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải là chất quyết định công dụng của sản phẩm chỉ đạt từ 70% trở xuống thì chưa được quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP. Do vậy, trường hợp này có thể áp dụng Nghị định 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi này chỉ là 5.000.000 – 6.000.000 đồng thấp hơn so với mức xử phạt đối với các hành vi có mức độ vi phạm nhẹ hơn (trên 70%) tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP.

  1. Quy định của Bộ luật hình sự liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính

Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016. Theo đó, Bộ luật đã có những quy định mới liên quan đến hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng cấm; về sử dụng chất cấm; về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản;  về quản lý động vật hoang dã; về phá hủy rừng; về phá hoại nguồn lợi thủy sản; về vệ sinh an toàn thực phẩm ….được quy định tại các điều 191, 193, 195, 232, 233, 234, 240, 241, 242, 243, 244, 245. Những quy định mới này đòi hỏi cần phải rà soát các quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, tương thích với quy định của Bộ luật hình sự.

Ví dụ: điểm c Điều 317 Bộ Luật hình sự điều chỉnh hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm: “Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm”.

Bài giảng Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
Quy định xử lý vi phạm nông nghiệp trong luật hình sự

Như vậy, Bộ luật hình sự chỉ điều chỉnh đối với trường hợp tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm, còn trường hợp tạo ra dư lượng nhưng chưa vượt ngưỡng cho phép của sản phẩm sẽ điều chỉnh tại Nghị định về xử phạt.

  1. Một số sửa đổi, bổ sung khác

Ngoài những nội dung sửa đổi, bổ sung chính, nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch, rõ ràng dễ hiểu, một số nội dung sửa đổi khác liên quan đến thuật ngữ, câu từ cũng được rà soát để sửa đổi đồng bộ.

Từ những lý do trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là cần thiết.

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *