Trả lời các vướng mắc trong công tác xây dựng văn bản pháp luật

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc bảng tổng hợp trả lời các vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp phát hành.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn, cụ thể:

– Theo quy định tại Điều 30 của Luật thì HĐND, UBND cấp huyện chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp để quy định những vấn đề được luật giao. Thực tế, việc giao HĐND, UBND cấp huyện cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại các luật là rất ít mà chủ yếu được giao bởi các văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh. Mặt khác, HĐND, UBND cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật mục đích chủ yếu là để quy định các chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Do đó, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn. Đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định này.

– Theo Điều 12 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì văn bản quy phạm pháp luật chỉ được bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy vậy, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP không quy định về mẫu hoặc kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, điều này gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể về nội dung này (UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Trả lời:

Thứ nhất, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã:

Ngày 28/11/2016, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4218/BTP-VĐCXDPL trả lời về một số quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung trả lời về quy định tại Điều 30 của Luật năm 2015. Cụ thể như sau:

thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã
thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã

“Điều 30 của Luật năm 2015 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Như vậy, kể từ ngày  Luật năm 2015 có hiệu lực (ngày 01/7/2016), HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được giao trong luật, không phải trong các loại văn bản khác. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã được ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực để cụ thể hóa các quy định của văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên như: nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ thì tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi có văn bản thay thế hoặc bãi bỏ”.

Trường hợp UBND cấp huyện cần có VBQPPL quy định các chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế – xã hội của huyện mình thì căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 127 của Luật năm 2015, Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị UBND cấp tỉnh ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh để quy định các chính sách đặc thù áp dụng trên địa bàn huyện.

Thứ hai, về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật:

Luật năm 2015 không quy định biểu mẫu riêng cho việc trình bày văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng đã có các mẫu của các VBQPPL trong đó có mẫu các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND; Căn cứ vào văn bản cần bãi bỏ, cơ quan có thẩm quyền xác định hình thức văn bản bãi bỏ cho phù hợp. Ví dụ: để bãi bỏ một hoặc một số quyết định của UBND cấp tỉnh thì UBND ban hành quyết định để bãi bỏ. Thể thức, kỹ thuật trình bày quyết định bãi bỏ phải tuân thủ theo mẫu quy định tại Mẫu số 18 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật
thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Thực tiễn thời gian qua, nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật khác do mình đã ban hành (Ví dụ: Quyết định số 30/2017/QĐ-TTg ngày 07/7/2017 về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tư số 04/2017/TT-BTP ngày 12/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành, Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc bãi bỏ văn bản). Nhìn chung, qua theo dõi và tiếp nhận thông tin phản hồi thời gian qua cho thấy các cơ quan chủ trì soạn thảo không gặp vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bãi bỏ các văn bản khác.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng, phát hành Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng chính sách; đánh giá tác động của chính sách; kỹ năng soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng xây dựng chính sách, phân tích chính sách; báo cáo đánh giá tác động của chính sách; nghiệp vụ thẩm định (UBND tỉnh Hậu Giang).

Trả lời:

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định số 1573/QĐ-TTg ngày 11/9/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật năm 2015 và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 19/11/2015 về việc triển khai thi hành Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thi hành Luật năm 2015 với nhiều hoạt động như: tổ chức hội nghị quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản và hội nghị tập huấn chuyên sâu với sự tham gia của đại diện tất cả các Bộ, ngành, địa phương; in ấn tài liệu phổ biến Luật năm 2015 và xây dựng sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước.

Đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về Luật năm 2015, từ khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức trên 10 Hội nghị tập huấn và các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng xây dựng, phân tích chính sách; đánh giá tác động của chính sách; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật… Đối tượng tham dự tập huấn, bồi dưỡng là cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND, HĐND, Sở Tư pháp, pháp chế các Sở, ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn quốc. Các hội nghị này tập trung giới thiệu quy định mới của Luật năm 2015 và một số kỹ năng cần thiết trong việc áp dụng các quy định đó trong công việc thực tiễn như đánh giá tác động chính sách, soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc áp dụng Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn các cuốn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mang tính “cầm tay chỉ việc”, gồm: Sổ tay hướng dẫn quy trình xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Sổ tay soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật và Sách hỏi – đáp về Luật năm 2015. Hiện các cuốn tài liệu nêu trên đều đang trong giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện.

Trong thời gian tới, sau khi hoàn thành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ nên trên, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho các Bộ, ngành, địa phương về quy trình, kỹ năng xây dựng chính sách, nghiệp vụ đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, cải tiến, đơn giản hóa công tác báo cáo, rà soát lại tất cả các quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành có quy định về chế độ báo cáo, thống kê để đơn giản hóa công tác báo cáo (định kỳ 06 tháng, 01 năm chỉ nên có 1 Báo cáo chung về công tác tư pháp trong đó đã bao gồm các lĩnh vực chuyên sâu, không nên báo cáo thêm chuyên đề, sẽ chồng chéo, trùng số liệu, thông tin, lãng phí thời gian) – (UBND tỉnh: Cao Bằng, Quảng Bình)

Trả lời:

Đối với vấn đề đơn giản hóa công tác báo cáo, thực hiện Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”, Bộ Tư pháp đã ban hành Danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, xây dựng và thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung nguồn lực cho việc thực hiện các luật, nghị định, các chương trình, đề án nhất là các luật, nghị định, chương trình, đề án trong lĩnh vực tư pháp nhằm bảo đảm tính khả thi trên thực tế, nhất là đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách địa phương còn hạn hẹp, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (UBND tỉnh Cao Bằng, Quảng Bình)

Trả lời:

Thực hiện công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nội dung thẩm định về điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi thẩm định về điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp thường tập trung có ý kiến đánh giá các nội dung: nguồn lực tài chính cho việc tổ chức thực hiện văn bản (chi phí mà tổ chức, cá nhân và các đối tượng áp dụng của văn bản bỏ ra khi thực hiện văn bản; chi phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc tổ chức thực hiện văn bản; chi phí cho việc thay đổi tổ chức, bộ máy, nhân sự của các cơ quan hiện hành; các chi phí khác có liên quan đến việc tổ chức thực hiện văn bản); nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện văn bản (việc thay đổi, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện văn bản; phương thức xử lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức dư thừa khi có sự tinh giảm bộ máy hoặc biện pháp bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức khi có phát sinh bộ máy mới để thực hiện văn bản).

Từ sự đánh giá các nội dung trên, Bộ Tư pháp đều có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc từng nội dung để đảm bảo tính khả thi của các quy định trong văn bản.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ về việc xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP theo hướng kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác pháp chế, duy trì các Phòng Pháp chế được thành lập tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (UBND tỉnh Sóc Trăng, Sơn La)

Trả lời:

Thời gian qua, Bộ Tư pháp nhận được kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương về việc đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế và để nâng cao hiệu quả công tác này. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo đánh giá 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ Báo cáo số 188/BC-BTP ngày 30/6/2017 về đánh giá 05 năm thực hiện công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Báo cáo đã tập trung làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của công tác pháp chế qua 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế; trong đó, đã có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn tổ chức pháp chế và nhân lực làm công tác pháp chế, tiếp tục duy trì các Phòng Pháp chế v.v…. Trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các địa phương: không sử dụng biên chế cho các vị trí việc làm khác; không tuyển dụng người không đủ tiêu chuẩn làm cán bộ pháp chế; không bố trí những người không có năng lực làm công tác pháp chế; tăng cường năng lực cho cán bộ pháp chế. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin & Truyền thông).

Trả lời:

Ngay sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thi hành (Quyết định số 1477/QĐ-BTP ngày 23/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các Bộ, ngành, ngày 06/12/2011, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế (Tờ trình số 42/TTr-BTP). Sau đó, tại các Phiên họp của Chính phủ về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngày 27/5/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020. Thực hiện Kết luận số 63-KL/TW, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu việc ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề sẽ được xử lý trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

Để khuyến khích, động viên đội ngũ những người làm công tác pháp chế ở Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra nhiều giải pháp như: ban hành một số VBQPPL quy định mới, điều chỉnh tăng mức kinh phí chi cho một số hoạt động liên quan đến công tác pháp chế như: về việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế (Thông tư số 129/2013/TT-BTC ngày 18/9/2013); lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất VBQPPL và pháp điển, hệ thống văn bản QPPL (Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013); hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014)… Đặc biệt, Luật ban hành văn bản VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ đã quy định về việc bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó quy định về nguồn kinh phí; nguyên tắc bảo đảm kinh phí; lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Căn cứ Luật năm 2015 và Nghị định số 34, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó đã bổ sung nhiều nội dung chi và mức chi cho các hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu các điều kiện bảo đảm, trong đó có chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế để bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn thống nhất việc xác định thế nào là một VBQPPL, thế nào là văn bản quy định chi tiết; về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính; về căn cứ, thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp; việc lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực (UBND tỉnh Gia Lai)

Trả lời:

Về thế nào là một văn bản quy phạm pháp luật: Luật năm 2015 đã quy định cụ thể về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 2: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này”. Khoản 1 Điều 3 Luật năm 2015 giải thích “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”. Như vậy, Luật năm 2015 đã quy định khá rõ về quy phạm pháp luật và VBQPPL.

Theo định nghĩa trên thì dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để nhận biết một VBQPPL là văn bản đó có chứa đựng “quy phạm pháp luật” hay không? xác định yếu tố “chứa đựng quy phạm pháp luật” là công việc đầu tiên cần được thực hiện trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành một VBQPPL. Nếu văn bản cần ban hành có chứa “quy phạm pháp luật” thì việc soạn thảo, ban hành văn bản đó phải tuân theo trình tự, thủ tục của việc ban hành VBQPPL. Ngược lại, nếu không chứa quy phạm pháp luật thì việc soạn thảo và ban hành văn bản đó không phải tuân theo trình tự, thủ tục soạn thảo của VBQPPL. Cần lưu ý “chứa đựng quy phạm pháp luật” được hiểu là ngay cả khi văn bản đó chỉ chứa duy nhất một quy phạm pháp luật.

Về văn bản quy định chi tiết: Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định khái niệm về văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên qua thực tiễn xây dựng pháp luật có thể thấy rằng văn bản quy định chi tiết là văn bản quy định cụ thể các nội dung được giao trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính: theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015 thì thẩm quyền quy định thủ tục hành chính thuộc từ Thủ tướng Chính phủ trở lên, trừ trường hợp được giao trong luật thì được phép quy định thủ tục hành chính trong “Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Về căn cứ, thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND: Điều 61 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể. Theo đó căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm VBQPPL quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản.

Về việc lập, công bố danh mục văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực: Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể. Theo đó, ở địa phương UBND các cấp có trách nhiệm: Lập, công bố theo thẩm quyền hoặc trình Thường trực HĐND cùng cấp công bố danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do mình ban hành và do HĐND cùng cấp ban hành trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực; Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất HĐND cùng cấp ban hành văn bản để thay thế văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực toàn bộ.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp kịp thời thông báo bằng văn bản cho HĐND, UBND tỉnh về Danh mục các nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (UBND tỉnh Gia Lai).

Trả lời:

Thực hiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về trách nhiệm của Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về danh mục các nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết, ngay từ khi Luật, nghị định có hiệu lực Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thường xuyên rà soát các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH để xác định các nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết.

Tính từ thời điểm Luật năm 2015 có hiệu lực (1/7/2016) đến nay thì tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV, qua rà soát không có nội dung nào trong các luật, nghị quyết giao cho địa phương quy định chi tiết, nên Bộ Tư pháp không thông báo.

Tại kỳ họp thứ 3, qua rà soát cho thấy có một số nội dung trong các luật, nghị quyết có giao cho địa phương quy định chi tiết nên Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2804/BTP-VDCXDPL ngày 10/8/2017 (có kèm theo danh  mục cụ thể) gửi HĐND, UBND 63 tỉnh, thành phố thông báo danh mục các nội dung giao địa phương quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Ngay sau khi kỳ họp thứ 4 của Quốc hội kết thúc, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát các nội dung trong các luật, nghị quyết có giao cho Chính phủ, các Bộ, các địa phương quy định chi tiết. Nếu có nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết, Bộ Tư pháp sẽ kịp thời có văn bản thông báo cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

  1. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức của Vụ Pháp chế – Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp chưa có văn bằng luật chiếm số lượng nhất định, tuy nhiên, khi xây dựng cơ chế, chính sách, cán bộ pháp chế không chỉ cần các kỹ năng pháp chế mà bên cạnh đó rất cần các kiến thức chuyên môn của các lĩnh vực đó. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp khi xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cần có cơ chế công nhận các cán bộ, công chức đã có kinh nghiệm, thời gian tham gia công tác pháp chế nhất định tương đương với cán bộ, công chức có trình độ cử nhân luật để thuận lợi cho nhiệm vụ công tác của các tổ chức pháp chế (Bộ Công Thương).

 Trả lời:

Cán bộ pháp chế không chỉ cần có kỹ năng công tác pháp chế mà cần phải có kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật có liên quan. Hiện nay, nguồn cử nhân luật có khá nhiều, đề nghị các Bộ, ngành tuyển dụng mỗi vị trí pháp chế phải đúng quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tạo điều kiện cho cán bộ pháp chế đi học luật nhằm chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác pháp chế của Bộ, ngành theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Bộ Tư pháp đã xây dựng Báo cáo Chính phủ về việc đánh giá 05 năm thực hiện công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (Báo cáo số 188/BC-BTP ngày 30/6/2017). Trong Báo cáo này, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế và có các kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới. Đồng thời, Báo cáo đã có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn tổ chức pháp chế và nhân lực làm công tác pháp chế. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với các nội dung quan trọng như đã nêu ở trên. Tuy vậy, là cán bộ pháp chế thì yêu cầu hàng đầu là phải có kiến thức pháp luật.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ liên quan đến công tác pháp chế, tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm của nước ngoài về xây dựng pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành, trên cơ sở đó tạo điều kiện để các cán bộ làm công tác pháp chế nắm rõ hơn thực tế thi hành pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp (Bộ Công Thương, Bộ Thông tin & Truyền thông).

Trả lời:

Việc nâng cao trình độ cho cán bộ pháp chế là hết sức cần thiết và thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đang quản lý đội ngũ cán bộ pháp chế.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác pháp chế luôn được Bộ Tư pháp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương. Từ năm 2011 đến tháng 6/2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức tư pháp, pháp luật cả Trung ương và địa phương, trong đó đã đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn chuyên sâu với nhiều hình thức, biên soạn nhiều tài liệu, cuốn sổ tay, cẩm nang về công tác pháp chế cho đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh với nhiều nội dung quan trọng, thiết thực như: kỹ năng xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL, hợp nhất, pháp điển VBQPPL, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật… Hằng năm, Bộ Tư pháp cử các đoàn công tác đi khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài trong một số lĩnh vực công tác tư pháp…

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan để tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng, lớp tập huấn về công tác pháp chế, pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương; tạo điều kiện để tổ chức pháp chế bộ, ngành, địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương tiến hành tổng kết và sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà các Bộ đã gửi Bộ Tư pháp (Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).

Trả lời:

Luật năm 2015 có nhiều quy định mới với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn đối với các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là quy trình xây dựng chính sách trước khi soạn thảo. Do vậy, trong thời gian đầu thi hành Luật năm 2015, một số Bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng nhất định trong việc áp dụng Luật. Ngày 21/4/2017, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo số 118/BC-BTP về việc xử lý khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật năm 2015. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, ngày 08/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1362/TTg-PL chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL. Trong đó, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Quốc hội nghiên cứu về sự cần thiết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã gửi Công văn số 4973/BTP-VĐCXDPL ngày 27/10/2017 đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh báo cáo về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của Luật năm 2015. Đến nay, đã có 16/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 61/63 địa phương gửi Báo cáo. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 Hội thảo để đánh giá tình hình thi hành Luật ở Trung ương và địa phương, đồng thời thảo luận về một số định hướng hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL trong thời gian tới. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và qua theo dõi, kiểm tra công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp đang soạn thảo Báo cáo về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015 để trình Chính phủ trong Quý IV/2017.

  1. Thông tấn xã Việt Nam đánh giá cao các khóa bồi dưỡng kỹ năng xây dựng văn bản do Bộ Tư pháp tổ chức trong năm 2017. Tuy nhiên, việc tổ chức và đào tạo các kỹ năng mềm về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (đặc biệt là mảng pháp luật quốc tế; kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng) hiện nay là rất cần thiết đối với đội ngũ pháp chế. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, có thể tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc biên soạn các tài liệu nghiệp vụ về các lĩnh vực này để pháp chế các Bộ, ngành có thể nghiên cứu, áp dụng trong công tác chuyên môn (Thông tấn xã Việt Nam).

Trả lời:

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ người làm công tác pháp chế luôn được Bộ Tư pháp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương. Thời gian quan, Bộ Tư pháp đã có những đổi mới về nội dung, phương pháp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu với nhiều hình thức, biên soạn nhiều tài liệu, cuốn sổ tay, cẩm nang về nghiệp vụ công tác pháp chế cho đội ngũ người làm công tác pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, Bộ Tư pháp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế ở Bộ, ngành, địa phương với nhiều chủ đề, trong đó có chủ đề liên quan đến kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng; giải quyết tranh chấp…Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ pháp chế các Bộ, ngành, địa phương. Việc đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng luôn được Bộ Tư pháp đặt ra (không chỉ đào tạo, tập huấn chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ mà còn tập trung vào các kỹ năng mềm cho cán bộ pháp chế).

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế Bộ, ngành, địa phương, theo đó, bộ sẽ quan tâm hơn đến việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho cán bộ pháp chế Bộ, ngành, địa phương (trong đó có kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng; pháp luật quốc tế v..v…) với các nội dung thiết thực, phục vụ cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế.

  1. 13. – Do đặc thù của công tác pháp chế là khối lượng công việc lớn, tính chất đa dạng, phức tạp, nhiều công việc đột xuất, đòi hỏi có đủ số lượng công chức có trình độ, năng lực, do đó, đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: quan tâm đến việc chỉ đạo tăng biên chế công chức làm pháp chế, chỉ đạo đảm bảo nguồn lực và ngân sách cho công tác pháp chế; bảo đảm kinh phí cho hoạt động pháp chế cho phù hợp với các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp (Thanh tra Chính phủ).

– Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để tổ chức nghiên cứu đề ra số lượng biên chế cũng như cơ cấu tổ chức của các tổ chức pháp chế trực thuộc các bộ, một số doanh nghiệp nhà nước lớn, công tác pháp chế được tiến hành ổn định, nhanh chóng, thường xuyên và đúng pháp luật (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Trả lời:

– Về việc đề nghị xây dựng cơ chế bổ sung biên chế làm công tác pháp chế:

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề biên chế, tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước, do đó, đã ban hành nhiều văn bản về vấn đề này như: Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11/11/2013 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014. Theo tinh thần các văn bản nêu trên thì về cơ bản giữ ổn định cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới). Thực hiện các chủ trương trên, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng rà soát về công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện Đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế để có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, biên chế cho phù hợp với thực tế hiện nay, trong đó có biên chế, công chức làm công tác pháp chế.

Đối với công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, trước hết cần phải được thực hiện đúng quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các văn bản khác liên quan đến công tác này. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế; đồng thời, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi Bộ, ngành để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên làm công tác pháp chế chuyên trách.

Do vậy, để bố trí biên chế cho tổ chức pháp chế tại Bộ, ngành – trong đó có  Thanh tra Chính phủ, đề nghị các Bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước quan tâm tạo điều kiện để bố trí, sắp xếp biên chế làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc cơ quan trong tổng số biên chế được giao.

Thực tế hiện nay, một số địa phương đã sử dụng biên chế làm công tác pháp chế để tuyển dụng vị trí việc làm khác; giao cán bộ khác kiêm nhiệm làm công tác pháp chế, như vậy là không đúng với quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Về việc này, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để kiểm tra việc tuyển dụng, bố trí biên chế làm công tác pháp chế để có giải pháp phù hợp.

– Về việc chỉ đạo đảm bảo nguồn lực và ngân sách cho công tác pháp chế; bảo đảm kinh phí cho hoạt động pháp chế cho phù hợp với các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp:

Để bảo đảm kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế, bảo đảm nguồn lực và ngân sách cho công tác pháp chế, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành đưa ra nhiều giải pháp như: ban hành một số VBQPPL quy định mới, điều chỉnh tăng mức kinh phí chi cho một số hoạt động liên quan đến công tác pháp chế như: về việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế (Thông tư số 129/2013/TT-BTC ngày 18/9/2013); lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013); hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014)… Đặc biệt, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ đã quy định về việc bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó quy định về nguồn kinh phí; nguyên tắc bảo đảm kinh phí; lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Căn cứ Luật năm 2015 và Nghị định số 34, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật thay thế Thông tư số 92. Thông tư mới đã bổ sung nhiều nội dung chi và mức chi cho các hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành có cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức pháp chế. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu để có nhiều giải pháp hơn nữa để đảm bảo nguồn lực và ngân sách cho công tác pháp chế.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp tham mưu cho Chính phủ đánh giá 5 năm thi hành Luật Thủ đô (Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội).

          Trả lời:

Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Việc tổng kết 05 năm thi hành Luật này là hết sức cần thiết để đánh giá, nhìn nhận tổng thể kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành Luật này và hoàn thiện pháp luật về Thủ đô nói chung cho phù hợp với tình hình mới.

Hiện tại, Bộ Tư pháp đã có chủ trương Tổng kết 05 năm thi hành Luật Thủ đô. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân  thành phố Hà Nội xây dựng và thực hiện Kế hoạch liên tịch giữa hai cơ quan để triển khai việc tổng kết. Kế hoạch sẽ phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan và dự kiến ban hành sớm trong Quý I/2018.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô, kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách có liên quan, Bộ Tư pháp sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan, báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật.

  1. Khó khăn trong triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015: Điều 14 cấm ban hành thủ tục hành chính trong thông tư, trừ trường hợp được luật giao. Đây là quy định tốt, nhưng từng lĩnh vực cụ thể thì chưa phát huy hết, nhất là trong lĩnh vực có tính “động (Đồng chí Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách tư pháp, hành chính, Bộ Công an).

          Trả lời:

Đúng như Đại biểu nêu, theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) thì từ ngày 01/7/2016 trở đi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương chỉ được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp được luật giao. Luật năm 2015 bổ sung quy định này là nhằm hạn chế (không phải cấm tuyệt đối) đặt ra thủ tục hành chính trong thông tư và văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Trong thời gian đầu thực hiện quy định nêu trên của Luật năm 2015, một số Bộ, ngành, địa phương đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định các trường hợp được quy định thủ tục hành chính và việc sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

Ngày 28/11/2016, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4218/BTP-VĐCXDPL trả lời về một số quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung trả lời về việc quy định thủ tục hành chính trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về các trường hợp được quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật của địa phương

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015 thì kể từ ngày 01/7/2016, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương chỉ được quy định thủ tục hành chính khi được giao trong luật, không phải được giao trong các văn bản dưới luật và phải được giao một cách trực tiếp trong luật, không phải suy luận từ chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan.

Thực tế hiện nay một số luật được ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết thi hành một hoặc một số nội dung cụ thể, mà không trực tiếp giao quy định thủ tục hành chính. Trong khi đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ, ngành cần phải quy định thủ tục hành chính. Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ đã được giao trong các luật ban hành trước ngày 01/7/2016, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương, các Bộ, ngành, địa phương có thể quy định thủ tục hành chính trong trường hợp luật giao quy định chi tiết nội dung cụ thể của luật mà phát sinh thủ tục hành chính.

Trong thời gian tới, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015, trường hợp cần giao quy định thủ tục hành chính thì cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật phải thiết kế rõ nội dung giao quy định về thủ tục hành chính ngay tại điều, khoản cụ thể của dự thảo luật.

Thứ hai, về việc sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương:

Khoản 4 Điều 172 của Luật năm 2015 có quy định chuyển tiếp như sau: “Những quy định về thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật này ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới”. Như vậy, khoản 4 Điều 172 của Luật năm 2015 đã quy định rõ để áp dụng thống nhất. Thực tiễn công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành, địa phương có thể phát sinh nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của thủ tục hành chính đã ban hành. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này chỉ được thực hiện nếu không làm phát sinh thủ tục hành chính mới ngoài phạm vi thủ tục hành chính được luật giao và không làm phức tạp thêm thủ tục hành chính đang áp dụng.

Thời gian tới, để thực hiện nghiêm Luật năm 2015, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục rà soát các quy định thủ tục hành chính đã ban hành để có lộ trình bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định về các thủ tục hành chính đó.

Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục theo dõi, thu thập phản ánh, kiến nghị của bộ, ngành, địa phương về khó khăn vướng trong quá trình thực hiện Luật năm 2015 để chuẩn bị sơ kết hai năm thi hành Luật, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý phù hợp.

  1. Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp xây dựng các dự án trong Chương trình, nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi) theo hướng rút Luật Công an xã khỏi Chương trình và đưa các nội dung đó vào Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Tiếp tục quan tâm tập huấn nghiệp vụ, nhất là xây dựng các báo cáo trong hồ sơ xây dựng pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới (Đồng chí Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và Cải cách tư pháp, hành chính, Bộ Công an).

Trả lời:

– Về dự án Luật Công an xã:

Theo Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, thì dự án Luật Công an xã đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), trong đó dự kiến đề xuất đưa nội dung dự án Luật Công an xã vào dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và đề nghị Quốc hội cho phép rút dự án Luật Công an xã ra khỏi Chương trình năm 2018 và bổ sung dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào Chương trình năm 2018 để thay thế. Đề nghị xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an để tổng hợp, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình năm 2019, đồng thời xin rút dự án Luật Công an xã ra khỏi Chương trình năm 2019.

– Về tập huấn nghiệp vụ, nhất là xây dựng các báo cáo trong hồ sơ xây dựng pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới:

Công tác tập huấn chuyên sâu Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34) đã được Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy banh nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành bài bản. Nhận thức rằng, yếu tố con người là vấn đề then chốt quyết định chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật, do đó, Bộ Tư pháp đã tập trung tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho các cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở cả Trung ương và địa phương nhằm cung cấp kỹ năng, thông tin những vấn đề mới và giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của Luật năm 2015. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng một số tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và hướng dẫn kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật như: Sổ tay xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng pháp luật; Sổ tay đánh giá tác động của chính sách và Sổ tay soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Sách Hỏi đáp Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức các lớp đào tạo giảng viên nguồn về xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho Bộ, ngành và địa phương.

Rubi tổng hợp

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *