Xác nhận đồng thừa kế là một trong những yêu cầu thường xuyên của tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế, tuy nhiên pháp luật hiện hành quy định không rõ ràng về việc xác nhận đồng thừa kế.
Theo Điều 49 Luật Công chứng năm 2006 quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 BLDS 2005 có quyền yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Và văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Như vậy, văn bản thỏa thuận phân chia di sản có giá trị pháp lý rất quan trọng sau khi phân chia di sản cũng như việc thực hiện chuyển quyền sở hữu từ người để lại di sản cho người được thừa kế. Do đó khi tiếp nhận các yêu cầu này các tổ chức hành nghề công chứng thường yêu cầu công dân tự khai các thông tin về tài sản, những người đồng thừa kế… theo mẫu do họ ban hành. Và để đảm bảo tính an toàn trong việc công chứng văn bàn thỏa thuận phân chia di sản, công chứng viên yêu cầu công dân mang tờ khai những người đồng thừa kế theo pháp luật về UBND xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú để xác nhận lời khai của họ là đúng.
Vấn đề pháp lý phát sinh ở đây là cơ quan nào có trách nhiệm xác nhận những người đồng thừa kế?
Hầu hết UBND và cán bộ Tư pháp cấp xã đều cho rằng việc xác minh thông tin về đồng thừa kế theo lời khai của công dân là trách nhiệm của công chứng viên, bởi vì họ là những người làm dịch vụ thì phải có trách nhiệm xác minh thông tin trước khi thực hiện công chứng, chứ không thể đẩy hết trách nhiệm cho xã, phường. Bên cạnh đó, hiện nay Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 quy định về công chứng, chứng thực và Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không có điều khoản nào quy định UBND cấp xã phải xác nhận những người đồng thừa kế theo pháp luật.
Ngược với quan điểm trên, các tổ chức hành nghề công chứng cho rằng chỉ có UBND cấp xã mới có thể xác nhận được những người đồng thừa kế, bởi vì UBND cấp xã là nơi quản lý hộ khẩu, khai sinh, khai tử, nhận nuôi con nuôi… nên biết rõ về những người đồng thừa kế theo pháp luật của người chết.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân, một số địa phương đã lách việc chứng thực đồng thừa kế, thay vì xác nhận ông A có bao nhiêu người con thì lại xác nhận chữ ký của ông A là đúng. Thế nhưng với nội dung xác nhận như vậy thì những nơi tiếp nhận như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục thuế lại không đồng ý với xác nhận đó mà yêu cầu xác nhận là ông A có bao nhiêu người con. Việc này đã gây khó khăn không nhỏ cho người dân khi phải chạy lòng vòng đi xác nhận đồng thừa kế.
Thiết nghĩ, để tạo thuận lợi cho công dân khi khai nhận thừa kế đối với trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm quy định thẩm quyền xác nhận đồng thừa kế cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú./.
Quốc Sử