Người không trực tiếp trồng lúa có được hưởng thừa kế đất lúa?

Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp: Đối với những người không trực tiếp sử dụng đất trồng lúa có được hưởng thừa kế đất lúa theo di chúc hoặc theo pháp luật hay không?

Cụ thể tình huống: Vợ chồng ông A bà B có 5 sào ruộng, có 3 người con trai C, D, E, trong đó 2 người (C, D) đi làm ăn xa không trực tiếp sử dụng đất trồng lúa, chỉ có người con út (E) ở cùng với ông A, bà B và trực tiếp làm 5 sào ruộng.

Vào năm 2017, ông A, bà B chết không để lại di chúc, anh C và D về đòi chia ruộng, anh E cho rằng anh C và D đi làm ăn xa, không trực tiếp làm ruộng thì chia ruộng để làm gì. Anh C và D thì bảo ruộng do cha mẹ để lại thì được hưởng. Vậy theo quy định của pháp luật thì C và D có được hưởng phần di sản là các đám ruộng do ba mẹ để lại hay không?

Trangtinphapluat.com trả lời như sau (mang tính tham khảo)

I. Về quyền thừa kế của cá nhân, tại Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Mọi cá nhân đều  bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”

Trường hợp trên không có di chúc nên việc hưởng di sản thực hiện theo pháp luật, cụ thể:

Người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 BLDS 2015 như sau: 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Mọi cá nhân đều bình đẳng trong hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật
Mọi cá nhân đều bình đẳng trong hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Căn cứ vào Điều 651 thì các con của ông A bà B đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên được hưởng phần di sản bằng nhau.

Và căn cứ vào Điều 621 BLDS thì anh C, D không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản, cụ thể Điều 621 quy định người không được quyền hưởng di sản gồm:

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Người không trực tiếp trồng lúa có được hưởng thừa kế đất lúa?
Người không trực tiếp trồng lúa có được hưởng thừa kế đất lúa?

Từ những cơ sở pháp lý ở trên khẳng định rằng anh C và D được quyền hưởng di sản do cha mẹ để lại, cụ thể ở đây là hưởng thừa kế đất lúa, các đám ruộng mặc dù C và D không trực tiếp trồng lúa.

II. Bên cạnh các quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự thì Luật Đất đai năm 2013 cũng có quy định về quyền thừa kế như sau:

Tại Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Điểm d Khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai quy định về nhận quyền sử dụng đất như sau: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất.

Không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất lúa

 Và Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được thừa kế quyền sử dụng đất lúa, mà chỉ quy định “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.”

Do đó, căn cứ vào Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp trồng lúa vẫn được quyền hưởng thừa kế quyền sử dụng đất trồng lúa.

Từ những phân tích của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai 2013 thì có đủ cơ sở pháp lý khẳng định anh C, D vẫn được hưởng thừa kế đất lúa các đám ruộng do ba mẹ chết để lại, mặc dù anh C và D không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc. Vui lòng cho ý kiến ở mục bình luận bên dưới hoặc gửi vào mail kesitinh355@gmail.com

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *