Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, cơ sở nào để xử lý?

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (cụ thể là sinh con 3 trở lên không thuộc trường hợp không vi phạm chính sách dân số).

Có ý kiến cho rằng quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ cơ sở để xử lý về mặt nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức; nhưng cũng có ý kiến cho rằng với quy định của Pháp lệnh dân số, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức thì đủ cơ sở xử lý CBCCVC vi phạm chính sách dân số.

Qua tìm hiểu của trangtinphapluat.com thì có ĐỦ cơ sở pháp lý để xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên vi phạm chính sách dân số, cụ thể:

1. Trách nhiệm của cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật

a) Trách nhiệm chung

Tại Khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Khoản 1 Điều 16 Luật Viên chức năm 2010, quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, như sau: Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

b) Trách nhiệm trong chính sách dân số

– Tại Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003 đã được sửa đổi năm 2008 bởi Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 2003, quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, là “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

(Tải slide tuyên truyền chính sách dân số)

– Tại Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, thì: mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ thực hiện quy mô gia đình ít con – có một hoặc hai con.

2. Quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

– Khoản 1 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức, quy định: Cán bộ vi phạm quy định của Luật nàycác quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật (triển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm).

– Khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức, quy định: Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật (Khiển trách, Cảnh cáo, Hạ bậc lương, Giáng chức, Cách chức, Buộc thôi việc).

Đối với Công chức, Tại Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật công chức, quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật, gồm: Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức năm 2010, quy định:  Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật ( Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức, Buộc thôi việc)

 (Tải Quyết định số 1679/QĐ-TTg năm 2019 Phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.)

Đối với viên chức, tại Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, quy định các trường hợp xử lý kỷ luật:  Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức; Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập; Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Và tại Khoản 1 Điều 38 của Pháp lệnh dân số năm 2003, quy định về xử lý vi phạm, thì: “Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác dân số thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

– Tại Điều 34 Nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định: Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ vào các quy định được viện dẫn ở trên thì cán bộ, công chức có trách nhiệm chấp hành pháp luật nói chung và chính sách dân số nói riêng (quy định về sinh một hoặc hai con), trường hợp cán bộ, công chức sinh con thứ ba trở lên mà không thuộc những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con theo Điều 2 của Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số, thì đã vi phạm pháp luật về dân số. Và một khi đã vi phạm pháp luật thì cần căn cứ vào Khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh dân số năm 2003, Điều 34 Nghị định 104/2003/NĐ-CP để xử lý, cụ thể:

+ Cán bộ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 Luật Cán bộ, công chức.

+ Công chức sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức.

+ Viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Viên chức.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *