Quy định về đặt tên đơn vị hành chính sau khi chia tách, sáp nhập

Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc quy định của pháp luật hiện hành về đặt tên ,đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp để bạn đọc tham khảo, áp dụng trong quá trình tham mưu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

I. Thực trạng việc đặt tên đơn hành chính khi sắp xếp giai đoạn 2019-2021

Theo Báo cáo tổng 03 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 kèm theo Tờ trình 1065/Tr-BNV ngày 13/3/2023 của Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ chỉ ra khó khăn trong việc xác định tên gọi của các đơn vị hành chính  sau khi thực hiện sắp xếp:

+ Có trường hợp cử tri không đồng ý với phương án sắp xếp chỉ vì không đồng ý với tên gọi của đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau sắp xếp.

+ Có địa phương thì thống nhất lấy tên của một trong các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; có nơi thì ghép tên đầu – cuối của các đơn vị thực hiện sắp xếp nhưng như vậy thì tên gọi mới không còn ý nghĩa sâu sắc như nguyên gốc. Có địa phương thì lấy tên gọi hoàn toàn mới.

Quy định về đặt tên đơn vị hành chính sau sắp xếp
Quy định về đặt tên đơn vị hành chính sau sắp xếp

Theo Bộ Nội vụ, so với việc nhập 2 đơn vị hành chính thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một đơn vị hành chính cũ thì việc ghép tên hoặc đổi tên đơn vị hành chính mới sẽ làm tăng gấp 2 lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động, có thể gây lãng phí. Điều này cần rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn sau.

II. Cơ sở pháp lý việc đặt tên đơn vị hành chính

1. Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030

Tại Điều 6 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 quy định  Đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp như sau:

Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp

2. Văn bản hợp nhất 19/VBHN-VPQH năm 2022 của Văn phòng Quốc hội hợp nhất Nghị Quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Văn phòng Quốc hội ban hành

Tại Điều 30 của Văn bản hợp nhất 19/VBHN-VPQH năm 2022 quy định  Tên của đơn vị hành chính thành lập mới và đổi tên đơn vị hành chính như sau:

  1. Tên được viết bằng chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc thiểu số.
  2. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính, cùng cấp hiện có trong phạm vi cả nước.
  3. Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh.
  4. Tên của đơn vị hành chính cấp xã thành lập mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện.
  5. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị hành chính có thể được đổi tên. Tên mới của đơn vị hành chính này thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  6. Trình tự, thủ tục đổi tên đơn vị hành chính được thực hiện như đối với trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

3.   Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2019 quy định Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, trong đó tại điểm d khoản 2 có quy định: Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;

Như vậy, theo tìm hiểu của Trangtinphapluat.com thì hiện nay có 03 văn bản pháp luật quy định về việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính sau khi sắp xếp. Các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào quy định trên để đặt tên gọi đơn vị hành chính sao cho đảm bảo đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương, tạo sự thuận tiện cho Nhân dân và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri., khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *