Số người sử dụng trái phép và người nghiện ma túy ở Việt Nam là bao nhiêu?

Trangtinphapluat.com trích dự tháo báo cáo tổng kết  Luật Phòng, chống ma túy năm 2019 của Bộ Công an, số liệu thống kê từ 2009 đến 2018 để bạn đọc tham khảo.

1. Tình hình sử dụng trái pháp chất ma túy

Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta có diễn biến phức tạp, ma túy sử dụng chủ yếu là Heroin và ma túy tổng hợp, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng. Hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)….

Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018, trên phạm vi cả nước có tổng số 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, phạm tội (chiếm 15,36%), có 5.337 người sử dụng trái phép chất ma túy gây bất ổn về tình hình an ninh, trật tự, có 27.655 người đã từng sử dụng trái phép chất ma túy đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ[1].

Tình hình sử dụng ma túy ở Việt Nam
Tình hình sử dụng ma túy ở Việt Nam

Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm và không xử lý bằng pháp luật hình sự mà xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính, theo thống kê năm 2009 người sử dụng trái phép chất ma túy đang ở cộng đồng là 25.286 người (chiếm 6,92%) và hàng năm đều tăng và đến năm 2018 là 49.210 người (chiếm 13,47%), gấp 02 lần năm 2009. Trong thời gian qua, người sử dụng trái phép chất ma túy (ma túy tổng hợp) gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều nơi với nhiều vụ án, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình. Do đó, cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.

2. Tình hình người nghiện ma túy ở Việt Nam

Tình hình người nghiện ngày càng diễn biến phức tạp, theo thống kê, năm 2009 số người nghiện có hồ sơ quản lý cả nước là 146.731 người, năm 2018 số người nghiện cả nước là 225.099 người, tăng 72.368 người so với năm 2009. Công an các địa phương đã chủ động tiến hành điều tra, nắm tình hình người nghiện và phối hợp với các lực lượng có liên quan lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, mở hồ sơ quản lý người sử dụng ma túy, từ đó đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều kế hoạch, đề án trong quản lý người nghiện ở địa bàn cư trú.

Năm 2009 lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với Công an cơ sở lập hồ sơ và đưa trên 10.000 người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc; năm 2010 trên 10.000 người; năm 2011: 7.705 người, năm 2012: 3.790 người; năm 2013: 2.462 người; năm 2014: 3.825 người; năm 2015: 1.894 người; năm 2016: 6.975 người; 6 tháng đầu năm 2017: 5.599 người nghiện ma túy được lập hồ sơ và đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống ma túy hàng năm của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý năm 2017 là 222.582 người, năm 2018 là 225.099 người. Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2018, theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 69.241 trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy
Danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy

Người nghiện có ở tất cả các địa phương, có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ (0,1% dưới 16 tuổi; 76% dưới 35 tuổi). Khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều hàng năm; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần[2]. Tỷ lệ phạm nhân phạm tội về ma túy đang ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ là 41,04%[3], tỷ lệ phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy là 28,58%.

[1] Theo thống kê số liệu của 59/63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

[2]  Bộ Y tế – Báo cáo công tác phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm và trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016.

[3] Báo cáo số 195/BC-BCA-C81 ngày 15/5/2018 của Bộ Công an.

3. Tình hình và công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy

Từ năm 2009 đến hết năm 2018, Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan đã phát hiện, điều tra bắt giữ 203.624 vụ/306.924 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 9.329,823 kg và 2.635 bánh Heroine; 1.996,180 kg thuốc phiện; trên 25.000 kg cần sa tươi, khô,  khoảng 6.968 kg ma túy tổng hợp; 9.275.257 viên ma túy tổng hợp và nhiều loại ma túy khác cùng nhiều vũ khí, phương tiện, tài sản có liên quan.

Đã đề nghị truy tố 142.275 vụ với 171.354 bị can[1]; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý xét xử 155.584 vụ án với 199.680 bị cáo phạm tội về ma túy, chất lượng truy tố, xét xử các vụ án về ma túy của ngành Kiểm sát, Tòa án các cấp được nâng lên, cơ bản đảm bảo đúng người đúng tội.

[1] Số liệu từ năm 2010 đến năm 2018

Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *