6 bất cập của pháp luật cán bộ, công chức và cán bộ bán chuyên trách cấp xã

Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế bất cập của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 26/4/2023 về tổng kết thực hiện các Nghị định của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

1. Về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã
a) Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã được quy định ở nhiều văn bản, do nhiều cơ quan khác nhau ban hành, một số nội dung chưa thống nhất
– Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ cấp xã được quy định tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP; Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và quy định tại các văn bản do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp Trung ương ban hành;

– Tiêu chuẩn cụ thể đối với công chức cấp xã được quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP); Thông tư số 13/2019/TT-BNV; Luật Hộ tịch năm 2014; Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về Công an, Quân sự;
Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và Thông tư số 13/2019/TT-BNV đã quy định tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức cấp xã là tốt nghiệp đại học trở lên. Trong khi đó, Luật Hộ tịch năm 2014 quy định tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức Tư pháp – Hộ tịch có trình độ từ trung cấp luật trở lên; Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn người đảm nhiệm Kế toán – tài chính cấp xã có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên.
b) Một số quy định còn bất cập và không phù hợp
– Nghị định số 114/2003/NĐ-CP được căn cứ vào Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2003), trong khi Pháp lệnh này đã được thay thế bởi Luật Cán bộ, công chức năm 2008; đồng thời nhiều nội dung quy định tại Nghị định này không còn phù hợp với thực tế hiện nay;
– Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV quy định trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ cấp xã là từ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo đã thực hiện gần 20 năm. Trong khi đó, Thông tư số 13/2019/TT-BNV quy định tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức cấp xã đã được sửa đổi, bổ sung và nâng lên là đại học. Từ đó dẫn đến bất cập là quy định về trình độ đào tạo của công chức cấp xã cao hơn so với cán bộ cấp xã;

hướng dẫn xác định những người là công chức
Những hạn chế, bất cập của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã

– Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và chuyên ngành văn thư (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2022/TT-BNV) không quy định về chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ đối với công chức, viên chức. Trong khi đó, Thông tư số 13/2019/TT-BNV chưa được sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp.
2. Về số lượng, chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã

a) Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định theo phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC). Tuy nhiên, thực tế hiện nay do thực hiện chủ trương sáp nhập ĐVHC cấp xã (địa bàn sau sáp nhập rộng, dân số tăng, đặc biệt là ở các đô thị dân số cơ học tăng nhanh) và sự phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa dẫn đến khối lượng công việc ở nhiều ĐVHC cấp xã tăng lên, tạo áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Theo đó, nếu chỉ căn cứ vào phân loại ĐVHC để quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã là chưa hoàn toàn phù hợp vì cùng một loại ĐVHC cấp xã nhưng diện tích tự nhiên, dân số và khối lượng công việc không tương đồng nhau, nhưng quy định về số lượng biên chế cán bộ, công chức lại bằng nhau. Theo đó, nhiều địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức ở các ĐVHC cấp xã có diện tích rộng, dân số đông, khối lượng công việc nhiều.
b) Thực hiện quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì số lượng Phó Chủ tịch UBND ở ĐVHC cấp xã loại II tăng thêm 01 người so với trước đây nhưng tổng số lượng cán bộ, công chức xã, thị trấn thực tế chỉ còn 20 người vì khi bổ sung 01 Phó Chủ tịch UBND thì phải giảm tương ứng 01 công chức để bảo đảm không tăng tổng số lượng theo quy định.
c) Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định cụ thể 11 chức vụ cán bộ và 07 chức danh công chức (thực tế hiện nay còn 06 chức danh công chức do chuyển công an chính quy thay thế Trưởng Công an xã và thị trấn). Theo đó, mặc dù có một số chức danh công chức cấp xã được bố trí nhiều hơn 01 người nhưng thực tế số lượng cán bộ cấp xã được bố trí vẫn cao hơn số lượng công chức cấp xã trong tổng số biên chế được giao theo phân loại ĐVHC. Nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi quy định này cho phù hợp, bảo đảm số lượng công chức cấp xã theo quy định ít nhất bằng với số lượng cán bộ cấp xã

d) Nhiều địa phương đề nghị bổ sung 01 biên chế công chức cấp xã để thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Đảng ủy cấp xã
. Thực tiễn hiện nay, các địa phương đã phải bố trí người hoạt động không chuyên trách hoặc bố trí kiêm
nhiệm chức danh để thực hiện giúp việc Đảng ủy cấp xã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhưng theo quy định thì không được hưởng chế độ kiêm nhiệm chức danh cán bộ, công chức, mà chỉ được hưởng chế độ kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
đ) Nghị định số 42/2021/NĐ-CP về xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy đã được thực hiện trên phạm vi cả nước. Theo đó, cần bỏ chức danh này trong Nghị định số 92/2009/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại
Nghị định số 34/2019/NĐ-CP).
 3. Về tuyển dụng công chức cấp xã
a) Nhiều nội dung quy định về tuyển dụng công chức cấp xã được thực hiện như đối với công chức từ cấp huyện trở lên nhưng chưa được quy định liên thông hoặc áp dụng tương tự.
b) Đối tượng thuộc diện cử tuyển theo Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 sau khi tốt nghiệp khó khăn khi tham gia thi tuyển vào các chức danh công chức cấp xã; nhưng theo quy định hiện hành, các đối tượng này không thuộc trường hợp tiếp nhận trong trường hợp đặc biệt khi tuyển dụng công chức cấp xã.
c) Theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP thì công chức cấp xã được bầu giữ chức vụ cán bộ cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ (không trong thời hạn bị kỷ luật) mới được xem xét tiếp nhận trở lại làm công chức cấp xã là chưa phù hợp với thực tế vì trường hợp cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo và xin thôi chức vụ hoặc không giới thiệu để bầu chức vụ cán bộ thì vẫn có thể bố trí làm công chức nếu còn chỉ tiêu biên chế và phù hợp với vị trí việc làm.
 4. Về lương, chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức cấp xã
a) Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP chưa quy định cụ thể việc xếp lương đối với trường hợp công chức cấp xã được bầu giữ chức vụ cán bộ cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ, sau đó
tiếp tục được bầu trở lại giữ chức vụ cán bộ cấp xã, hoặc được tiếp nhận trở  lại làm công chức cấp xã (có thời gian công tác không liên tục, chưa giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội).
b) Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì trường hợp có từ 02 chức danh trở lên được bố trí kiêm nhiệm nhưng chỉ giảm được 01 người thì chưa có căn cứ để xác định người được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.
c) Quy định hiện hành chưa quy định cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và chưa quy định chế độ hưởng phụ cấp kiêm nhiệm đối với trường hợp này. Để tăng cường kiêm nhiệm chức danh và tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, nhiều địa phương đề nghị bổ sung quy định này.
5. Về phụ cấp công vụ đối với cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp hàng tháng
Nghị định số 92/2009/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP) quy định cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động không được hưởng phụ cấp công vụ theo quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ. Trong khi đó, Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14/12/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thì Chủ tịch Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện, bao gồm cả đối tượng là người đang hưởng lương hưu vẫn được hưởng phụ cấp công vụ. Tại Văn bản số 3052-CV/BTCTW ngày 07/4/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện chế độ phụ cấp công vụ đối với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã đã đề nghị sửa đổi quy định này để thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cấp xã.
6. Về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
Các Nghị định số 114/2004/NĐ-CP, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP chưa quy định về việc bầu, tuyển dụng, thực hiện chế độ hợp đồng hoặc tiếp nhận đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và cũng chưa có quy định cụ thể về việc khen thưởng, kỷ luật, quản lý, đánh giá đối với đối tượng này ngoài những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là thành viên của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều lệ và quy định của các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp trung ương.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *