7 hạn chế, bất cập của Luật Việc làm năm 2013

Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu tới bạn đọc 07 vấn đề còn hạn chế, bất cập, vướng mắc của Luật Việc làm năm 2013 so với thực tiễn và các văn bản của Đảng, Nhà nước.

1. Về phạm vi điều chỉnh

Khoản 3 Điều 6 Luật Việc làm quy định một trong các nội dung quản lý nhà nước về việc làm là “quản lý lao động”, tuy nhiên, không được đề cập trong phạm vi điều chỉnh và quy định cụ thể tại các Chương trong Luật Việc làm.

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định Chương II. Việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động (gồm 04 điều, từ Điều 9 đến Điều 12), tuy nhiên, nội dung về quản lý lao động chỉ quy định về trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động (trong trường hợp có giao kết hợp đồng lao động), chưa quy định rõ đối với các trường hợp người lao động tự làm, không có giao kết hợp đồng lao động, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý, điều tiết đối với nguồn nhân lực nói chung, lao động nói riêng.

7 hạn chế, bất cập của Luật Việc làm năm 2013
7 hạn chế, bất cập của Luật Việc làm năm 2013

2.Giải thích từ ngữ

– Luật Việc làm quy định người lao động là “công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên” trong khi mục I Chương XI Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về lao động chưa thành niên, trong đó có lao động dưới 15 tuổi, do đó cần bổ sung quy định về đối tượng này để đảm bảo đồng bộ và thống nhất chung.

– Hiện nay, một số văn bản dưới Luật đã quy định hoặc đề cập đến các khái niệm về “việc làm xanh”[1]; các vấn đề xoay quanh khái niệm “phi chính thức” như kinh tế phi chính thức[2], tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức[3], cơ sở dữ liệu về người lao động, phát triển kỹ năng nghề, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia[4] … nhưng chưa được quy định, làm rõ khái niệm trong Luật, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, xác định đối tượng và tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua.

3. Chính sách của Nhà nước về việc làm

– Thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số[1], thúc đẩy sự phát triển kinh tế số (đại dịch COVID-19 tạo thêm cú hích cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn). Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao (công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính, …) đến những việc làm với trình độ phổ thông (giao hàng, bán hàng online, …). Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số.

– Chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017). Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số, dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%), phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Người lao động cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già … Thực tế người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.

4. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn

– Về nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động ở khu vực nông thôn: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII đã xác định phát triển nguồn nhân lực là 01 trong 03 khâu đột phá chiến lược, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định lại, đồng thời nhấn mạnh “tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn” tuy nhiên nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

  – Chất lượng đào tạo chưa cao, chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, đào tạo ngành nghề cũ, do đó hiệu quả chuyển đổi nghề nghiệp, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn còn chậm.

– Về quy định, hiện nay trong Luật Việc làm chưa có quy định khuyến khích doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo (nhất là đào tạo chuyển đổi nghề phi nông nghiệp) hoặc lao động nông thôn đã có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chưa có quy định hỗ trợ cho lao động nông thôn được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để phát triển nghề nghiệp, chuyển đổi việc làm hoặc tự tạo việc làm do đó, chưa tận dụng, gắn kết được công tác đào tạo, chuyển đổi nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ khu vực nông thôn.

5.Chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

– Trong những năm qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh, xác định đây là một trong những kênh quan trọng góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững. Nhiều địa phương đã ban hành các Chương trình, quy định riêng về hỗ trợ (đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách) hoặc tạo điều kiện cho mọi lao động được tiếp cận các chính sách hỗ trợ (ví dụ vay vốn, học nghề) trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong khi quy định tại Luật Việc làm chỉ cụ thể nội dung hỗ trợ cho 05 nhóm đối tượng chính sách, chưa có quy định khung nhằm tạo cơ hội tiếp cận chính sách cho mọi lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.

– Về đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ bao gồm 05 nhóm đối tượng chính sách (chiếm số lượng ít) trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung hỗ trợ như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội (một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn ngân sách địa phương); lao động thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo[1].

– Về nội dung hỗ trợ: chưa có chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận, so sánh trình độ, góp phần đảm bảo công bằng về quyền lợi và các chế độ cho người lao động trong thị trường lao động nước ngoài.

– Chưa có chính sách hỗ trợ gắn kết doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm năng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động

ở những ngành nghề, công việc đặc thù mà Việt Nam có ưu thế cũng như quy định gắn với việc đánh giá, công nhận chứng chỉ kỹ năng nghề của lao động Việt Nam, tạo cơ hội để lao động Việt Nam tham gia các thị trường lao động ngoài nước, nhất là trong khu vực ASEAN và các nước lân cận (Hàn Quốc, Nhật Bản).

– Về chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi: Theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, người lao động thuộc hộ nghèo, thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ NHCSXH, người lao động thuộc hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm, chưa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quy định pháp luật, bên cạnh đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế. Mặt khác, số đối tượng có nhu cầu vay đi làm việc ở nước ngoài nhiều trong khi chỉ giới hạn bởi 05 nhóm đối tượng chính sách.

6. Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên

– Về hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội:

+ Hiện nay, mới chỉ có đối tượng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự là được cấp thẻ học nghề, còn đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện chưa được cấp thẻ.

+ Về nguồn kinh phí: Luật Việc làm và Nghị định số 61/2015/NĐ-CP chưa quy định rõ nguồn kinh phí để thực hiện chính sách; Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH quy định nguồn kinh phí do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương. Tuy nhiên, thực tế, các đối tượng này thường tập trung học nghề tại các thành phố lớn nên ngân sách địa phương này phải chi cho nhiệm vụ của địa phương khác, gây áp lực ngân sách cho các thành phố này (một số địa phương không thực hiện thanh toán cho thanh niên không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn) và chưa tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước về nguyên tắc phân cấp nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách. Nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách nên rất khó khăn trong việc quyết toán chi hỗ trợnhiều địa phương không dự kiến được nhu cầu và nguồn kinh phí triển khai thực hiện chính sách.

+ Mức hỗ trợ: Luật Việc làm và Nghị định số 61/2015/NĐ-CP chưa quy định mức hỗ trợ cụ thể cho người học; Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH quy định các bộ, cơ quan trung ương ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật làm cơ sở xây dựng định mức đào tạo để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai hỗ trợ và quyết toán với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều địa phương, bộ, ngành chưa xây dựng được định mức kinh tế – kỹ thuật nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa có căn cứ thực hiện. Đồng thời, mức hỗ trợ chưa đảm bảo tính tương quan với các chính sách khác[1].

+ Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan tổ chức thực hiện như chỉ hỗ trợ đối với trường hợp đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp trong khi nhu cầu và các hình thức đào tạo nghề khác như đào tạo nghề tại hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh nghề truyền thống … chưa được quy định; quy định thời hạn sử dụng thẻ đào tạo nghề là 12 tháng chưa phù hợp, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh …

– Hiện nay, một thực trạng khá phổ biến là việc học sinh, sinh viên làm thêm với những công việc đa dạng từ chạy xe grab, bán hàng online, làm thêm trong các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán ăn … (theo cách tính số lao động có việc làm quy định tại Nghị định 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, học sinh, sinh viên đi làm thêm từ 01 giờ trở lên trong thời kỳ tham chiếu được coi là có việc làm). Thông qua việc làm thêm, sinh viên có thêm thu nhập, được trau dồi, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm (nhất là đối với các sinh viên làm thêm trong lĩnh vực phù hợp ngành, nghề đang học) … Tuy nhiên, việc làm thêm của sinh viên cũng sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan lừa đảo, bóc lột sức lao động, sa ngã vào các tệ nạn xã hội … trong khi chưa có quy định pháp luật nào nhằm bảo vệ, quản lý và đảm bảo các chế độ cơ bản cho học sinh, sinh viên khi làm việc (kinh nghiệm các nước trên thế giới đều quy định về thời gian, các chế độ cơ bản về tiền công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm … khi sử dụng học sinh, sinh viên làm việc).

7. Bảo hiểm thất nghiệp

– Đối tượng tham gia BHTN tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động. Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì đối tượng tham gia BHTN là người lao động có HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 03 tháng trở lên, do đó, người lao động có HĐLĐ từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao. Luật cũng chưa quy định bắt buộc tham gia đối với đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã.

– Chưa có quy định về trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có thuộc đối tượng phải đóng BHTN (theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian này không phải tham gia BHXH bắt buộc), gây khó khăn trong tổ chức thực hiện BHTN.

– Chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan BHXH về việc có việc làm của người lao động nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.

– Chưa có quy định về trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về BHTN (do gặp khó khăn về tài chính, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật … dẫn đến chậm đóng, thiếu đóng hoặc không có khả năng đóng đầy đủ BHTN cho người lao động), người lao động gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng BHTN do không đủ điều kiện về đóng BHTN.

– Luật Việc làm đã quy định 01 trường hợp bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với người lao động sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp bảo lưu khác chưa được quy định trong Luật (ví dụ: bảo lưu đối với tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động được xác nhận bổ sung thời gian đóng BHTN sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp…) ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

– Luật Việc làm quy định mức hưởng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở không còn phù hợp với định hướng trong giai đoạn tới về thực hiện chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Rubi

(Trích dự thảo báo cáo Luật Việc làm được đăng tải trên web Bộ Tư pháp)

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *