Xử phạt đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi lập biên bản

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:

Lập biên bản vi phạm hành chính

 Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập một biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm.

Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 118
Xử phạt đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi lập biên bản

Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng có quy định và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt;

Lập 1 hay 2 biên bản vi phạm hành chính?

Theo quy định trên thì đối với hành vi đã lập biên bản mà người vi phạm tiếp tục vi phạm thì khi xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền có thể áp dụng tình tiết tăng nặng để xử phạt hoặc phạt về hành vi không chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền.

Vấn đề vướng mắc ở đây là trong trường hợp này, người có thẩm quyền lập 01 biên bản vi phạm hành chính hay 02 biên bản vi phạm hành chính để xử phạt 02 hành vi (hành vi vi phạm chính và hành vi tiếp tục thực hiện sau khi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà chưa ban hành quyết định xử phạt)

Chỉ lập 01 biên bản vi phạm hành chính

Có quan điểm cho rằng đối với trường hợp trên, căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP  chỉ cần lập 01 biên bản vi phạm hành chính về hành vi chính (Ví dụ như hành vi xây dựng không phép) và có biên bản, hồ sơ thể hiện đã yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm mà họ không chấp hành. Trên cơ sở đó, ban hành quyết định xử phạt về hành vi chính (ví dụ về hành vi xây dựng không phép) và áp dụng tình tiết tăng nặng không chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền để tăng mức xử phạt.

Điểm mới của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính
Lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 118

Hoặc người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt để xử phạt cả 02 hành vi: Hành vi chính (ví dụ xây dựng không phép) và hành vi không chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 12 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, cụ thể:

12. Xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này thì mức phạt cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.”

Phải lập 02 biên bản vi phạm hành chính

Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng, trong trường hợp một người thực hiện 02 hành vi vi phạm (một hành vi chính là xây dựng không phép và một hành vi không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của người có thẩm quyền) thì phải lập 02 biên bản riêng biệt mới đúng với Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Theo khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì: “Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.”

Theo điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì” Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính”

Mỗi hành vi lập 01 biên bản

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118 thì hành vi vi phạm phải lập biên bản vi phạm hành chính và trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính để ban hành quyết định xử phạt.

Do đó, khi tổ chức, cá nhân có hành vi phạm mà người có thẩm quyền đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm mà vẫn tiếp tục vi phạm thì phải lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành mệnh lệnh (trên lĩnh vực xây dựng có quy định xử phạt hành vi này) để ra quyết định xử phạt.

Có thể lập 01 biên bản

Trường hợp, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực đó không có quy định xử phạt đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi lập biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền chỉ cần lập 01 biên bản vi phạm hành chính và có biên bản thể hiện việc không chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền để áp dụng tình tiết tăng nặng khi ban hành quyết định xử phạt.

Trangtinphapluat.com rất mong nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Ý kiến để ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *