Người chứng kiến trong biên bản vi phạm hành chính gồm những ai?

Một bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp các vướng mắc liên quan đến người chứng kiến khi lập biên bản vi phạm hành chính, cụ thể: Khái niệm người chứng kiến được hiểu như thế nào trong thực tiễn. Ví dụ: trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ cơ quan tôi  có 3 đồng chí đi làm nhiệm vụ, một đồng chí lập biên bản vi phạm hành chính còn 02 đồng chí là người chứng kiến có được không?

Trangtinphapluat.com, Trả lời:

1. Biên bản vi phạm hành chính phải có người chứng kiến?

Không phải tất cả các trường hợp vi phạm hành chính khi lập biên bản vi phạm hành chính cũng phải có người chứng kiến mà chỉ khi cá nhân/tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc có mặt nhưng không chịu ký biên bản vi phạm hành chính, lúc đó mới cần có người chứng kiến ký vào biên bản.

(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:

“3. Biên bản vi phạm hành chính có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm lập biên bản;

b) Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

c) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;

d) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;

đ) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyền và thời hạn giải trình.

Thế nào là người chứng kiến vi phạm hành chính
Thế nào là người chứng kiến vi phạm hành chính

4. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.”

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 thì có ít nhất 01 người chứng kiến nếu người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 và mẫu biên bản vi phạm hành chính Nghị định 118/2021/NĐ_CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp đại diện chính quyền địa phương hoặc người chứng kiến không ký vào biên bản vi phạm hành chính thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do không ký thì biên bản vẫn có giá trị pháp lý, làm căn cứ để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định khắc phục hậu quả.

2. Ai có thể làm người chứng kiến?

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không nêu khái niệm như thế nào được gọi là người chứng kiến?, người biết toàn bộ hành vi vi phạm hành chính hay là người chứng kiến cho việc người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là có thật?. Đến khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì tại khoản 4 Điều 58 có nêu “Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản”.

Người chứng kiến trong hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tại Điều 67 quy định về người chứng kiến như sau:  Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

Người làm chứng trong hình sự

Tại Điều 66 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định về Người làm chứng như sau: Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Như vậy, theo Bộ luật Tố tụng thì người chứng kiến là người được mời để chứng kiến việc tiến hành tố tụng và họ không bắt buộc phải biết về các tình tiết liên quan đến tội phạm.

(Các sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính cần biết để tránh)

Tóm lại, theo các quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự chúng ta có thể hiểu rằng người chứng kiến trong quá trình kê biên, cưỡng chế…là người được mời để chứng kiến việc lập biên bản. Còn theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì người chứng kiến  là người được người lập biên bản mời để xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản.

Và Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định trường hợp nào không được làm người chứng kiến, tuy nhiên để đảm bảo tính khách quan thì nên mời người dân tại nơi xảy ra vi phạm làm người chứng kiến và người dân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp mà không có người dân thì những người tham gia trong đoàn kiểm tra ký làm người chứng kiến. Hoặc trường hợp không có người chứng kiến thì người lập biên bản vi phạm hành chính ghi rõ trong biên bản  lý do không ký (như không có người chứng kiến hoặc người chứng kiến không chịu ký biên bản…) để làm cơ sở ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

2 Bình luận

  1. Xin Trang tin Pháp luật tư vấn dùm trường hợp sau:
    – Khi lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, sau khi có mô tả đủ hành vi vi phạm chính và có ghi điểm, khoản, điều vi phạm chính. Nhưng có hình thức phạt bổ sung, như tước chứng chỉ hành nghề.
    – Như vậy, Trong biên bản VPHC có phải ghi điểm, khoản, điều của hình thức phạt bổ sung hay không? hay chỉ ra hình thức phạt bổ sung trong quyết định xử phạt. (Vì trong mẫu biên bản VPHC không có mục ghi hình thức phạt bổ sung).
    Xin trân trọng cám ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *