Văn bản hành chính hết hiệu lực khi nào?

Nhiều bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com cho biết văn bản hành chính có hiệu lực và hết hiệu lực trong những trường hợp nào?

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

Thế nào là văn bản hành chính

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư thì “Văn bản hành chính” là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức.

Các loại văn bản hành chính

Và theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì Văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.

 Hiệu lực của văn bản hành chính

Hiện nay văn bản hành chính được áp dụng theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư, theo Nghị định 30 thì chỉ có:

+ Quyết định, hợp đồng mới thể hiện có hiệu lực thi hành, cụ thể: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày…;

+ Hợp đồng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2024; Giấy ủy quyền có hiệu lực kể từ ngày tháng năm đến ngày tháng năm,

+ Giấy nghỉ phép thể hiện hiệu lực trong thời gian nghỉ phép, như nghỉ phép từ ngày 15/3/2024 đến 10/4/2024, các văn bản khác như Thông báo, tờ trình, phiếu chuyển, phiếu báo…  không thấy hướng dẫn thể hiện hiệu lực của văn bản. Thông thường, các văn bản hành chính sau sẽ có quy định cụ thể hiệu lực:

 Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính:

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì các quyết định xử phạt hành chính, quyết định khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế

  • Đối với Quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ, quyết định mới ban hành có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc một thời điểm cụ thể sau ngày ký quyết định và được ghi trong quyết định (khoản 1 Điều 16 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
  • Và đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì: thời điểm có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc ngày khác do người có thẩm quyền quyết định.
    Văn bản hành chính hết hiệu lực khi nào?
    Văn bản hành chính hết hiệu lực khi nào?

  Trong lĩnh vực đất đai:

Theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ  giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất,thì các quyết định giao đất, thu hồi đất…có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc kể từ ngày, tháng năm.

 Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo

  Theo Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hiệu lực của các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc sau một thời điểm nhất định, cụ thể:

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kếo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. (Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011)

Đối với văn bản là Hợp đồng

Thông tư 5/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tại Điều 8 Phụ lục I Hợp đồng dịch vụ có quy định về hiệu lực như sau:

“Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày…… tháng…… năm…… và chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Hết thời hạn sử dụng dịch vụ theo Điều 1 hợp đồng này mà các bên không có thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng.

b) Theo thỏa thuận của các bên.

c) Một trong các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định.

d) Bên A hoặc bên B bị giải thể, phá sản.

đ) Các trường hợp khác theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên.”

Đối với Giấy nghỉ phép

Theo mẫu 1.10 kèm theo Phụ lục của Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư thì có hướng dẫn về thời gian nghỉ phép từ ngày tháng năm đến hết ngày tháng năm. Như vậy, thời điểm có hiệu lực của Giấy nghỉ phép là thời điểm bắt đầu từ ngày nghỉ phép đến hết ngày nghỉ phép.

“Được nghỉ phép trong thời gian       ………………………… kể từ ngày  ………………………. đến hết ngày…………………………….. tại……………….       6…………………………………………….”

Như vậy,  đối với văn bản hành chính thì từng lĩnh vực cụ thể mà quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản, thông thường đối với quyết định, nghị quyết thì sẽ có quy định cụ thể thời điểm có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc một thời điểm xác định nhưng không được quy định hiệu lực trở về trước để bảo vệ quyền lợi của người bị tác động bởi quyết định, nghị quyết (cụ thể là quyền được tiếp cận thông tin, biết các nội dung trong quyết định để chấp hành cũng như khiếu nại, khiếu niện).

Đối với các văn bản khác như Công văn, Thông báo, kết luận…thường không thể hiện hiệu lực trong văn bản, trường hợp này thì xác định có hiệu lực kể từ ngày ký văn bản hoặc ngày cụ thể đối với từng nội dung trong văn bản.

2. Thời điểm hết hiệu lực của văn bản hành chính

Hiện nay, đối với văn bản quy phạm pháp luật thì có quy định cụ thể về thời điểm hết hiệu lực theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020; tuy nhiên đối với văn bản hành chính thì chưa có một văn bản chung để quy định thời điểm hết hiệu lực mà để xác định văn bản còn hay hết hiệu lực thì phải đối chiếu với từng lĩnh vực cụ thể. Theo quan điểm của trangtinphapluat.com thì văn bản hành chính sẽ hết hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

Hết hiệu lực theo thời gian

+ Hết hiệu lực theo thời gian ghi trong văn bản hành chính, ví dụ: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chương trình công tác năm 2022 thì văn bản này sẽ hết hiệu lực đến hết 31/12/2022. Hay như quyết định cưỡng chế vi phạm hành chính sẽ ghi: Quyết định này hết hiệu lực khi tổ chức xong việc cưỡng chế…

Hết hiệu lực khi đã xong việc

+ Hết hiệu lực khi không còn đối tượng áp dụng: Ví dụ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân cụ thể nhưng cá nhân đã chết, tổ chức đã giải thể, phá sản.

+ Văn bản hết hiệu lực khi đã thi hành xong các nội dung của văn bản hành chính;  Hết hiệu lực khi bị thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản hành chính khác.

Đối với các văn bản hành chính không thuộc các trường hợp trên thì vẫn còn hiệu lực thi hành, tuy nhiên tùy trường hợp cụ thể mà người áp dụng xem văn bản đó có còn phù hợp với thực tiễn hay không để áp dụng.

Trên đây là quan điểm của trangtinphapluat.com về thời điểm có hiệu lực và hết hiệu lực của văn bản hành chính. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *