Trangtinphapluat.com nhận được lời đề nghị tư vấn thủ tục đăng ký khai sinh, như sau: Anh Nguyễn Văn A kết hôn với chị Trần Thị B đến tháng 4/2015 anh A và chị B ly hôn, lúc đó chị B mới sinh con được 5 tháng. Đến tháng 5/2015 chị B lại kết hôn với anh C.
Ngày 20/5/2015 chị B và anh C đến UBND xã nơi chị B cư trú để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Chị B yêu cầu ghi phần khai về cha là tên của anh C, cán bộ Tư pháp từ chối vì cho rằng đứa bé là con trong thời kỳ hôn nhân giữa chị B và anh A nên giấy khai sinh phải ghi tên cha là Nguyễn Văn A chứ không thể là anh C được.
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung vợ chồng
Chị B và anh C giải thích rằng: Mặc dù đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa chị B và anh A nhưng thực chất đó là con của anh C và anh A cũng không có tranh chấp việc đứa trẻ là con của anh. Bên cạnh đó thì Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng nếu cả 2 vợ chồng thừa nhận. Ở đây cả chị B và anh C đều thừa nhận đứa trẻ là con chung nên phần khai về cha phải để tên anh C.
Vậy, trong trường hợp trên Giấy khai sinh phải ghi tên ai mới đúng?
Theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Căn cứ vào quy định trên thì cả chị B và cán bộ Tư pháp đều có lý cả, nghĩa là cả anh A cũng như anh C đều có cơ sở là cha của đứa bé.
Thủ tục đăng ký khai sinh cho con trường hợp không tranh chấp như sau:
Do đứa bé sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa anh A và chị B nên về nguyên tắc đứa bé là con của anh A và chị B trừ trường hợp anh A từ chối nhận con. Ở đây anh A không từ chối cũng không có ý kiến, do đó để có thể ghi tên của anh C trong giấy khai sinh của đứa bé thì anh C phải làm thủ tục nhận con theo Mục 6 của Văn bản hợp nhất 8013/VBHN-BTP hợp nhất các nghị định về đăng ký quản lý hộ tịch. Sau khi làm thủ tục mà anh A không tranh chấp, khiếu nại thì UBND cấp xã sẽ ra quyết định công nhận cha con và đồng thời cấp giấy khai sinh cho đứa bé có tên của anh C.
Trường hợp mà anh A có tranh chấp về nhận con của anh C thì phải nộp đơn đề nghị Tòa án giải quyết.
Ru bi
Là cán bộ tư pháp, bản thân xin được trao đổi quan điểm của mình về trường hợp này như sau: Đứa bé sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa anh A và chị B nên về đương nhiên đứa bé là con của anh A và chị B. Theo giả thuyết anh A không có ý kiến gì. Nhưng không có cơ sở nào chắc chắc là anh A không có tranh chấp.
Với trường hợp này để đảm bảo đúng pháp luật, tránh trách nhiệm pháp lý cho địa phương nên đề nghị đương sự phải có giấy tờ của cơ quan y tế về xác định con.