So sánh Luật Căn cước 2023 và Luật Căn cước công dân

Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới của Luật Căn cước  năm 2023 so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để bạn đọc tham khảo.

1. Tên văn bản Luật

Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

2. Đối tượng áp dụng

Luật Căn cước  năm 2023 mở rộng đối tượng áp dụng, theo đó ngoài các đối tượng theo Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật 2023 bổ sung thêm đối tượng áp dụng là: người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Trắc nghiệm Nghị định 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử
So sánh Luật Căn cước 2023 và Luật Căn cước công dân

3. Về giải thích từ ngữ

Luật căn cước tăng 11 nội dung giải thích từ ngữ so với Luật căn cước công dân năm 2014.

+ Về Căn cước: bổ sung thêm thông tin  sinh trắc học của một người.

+ Sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác

+ Bổ sung thêm một số nội dung giải thích mới như: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; Giấy chứng nhận căn cước; Danh tính điện tử của công dân Việt Nam; Hệ thống định danh và xác thực điện tử…

4.  Nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước

Bên cạnh kế thừa 3 nguyên tắc của Luật 2014, Luật Căn cước 2023 bổ sung thêm 01 nguyên tắc quan trọng, đó là: Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

5. Về Quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước

Luật Căn cước bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch

6. Các hành vi bị nghiêm cấm

Luật Căn cước 2023 cũng quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm như Luật 2014, tuy nhiên đã điều chỉnh, bổ sung một số hành vi mới như: Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật; Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

7. Về thông tin  trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định 15 lọai thông tin đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Luật cư trú năm 2020 sửa đổi Luật Căn cước công dân 2014, quy định 18 loại thông tin.

Luật 2023 quy định 26 loại thông tin đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có nhiều thông tin mới như: Tên gọi khác,   Số chứng minh nhân dân 09 số; Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp; Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử;  Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.

8.Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam

Luật năm 2014 không quy định cụ thế số định danh cá nhân mà giao cho Chính phủ quy định  cấu trúc số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Luật 2023, quy định cụ thể: Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam.

Ngoài ra, Luật 2023 còn bổ sung quy định: Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam dùng để cấp thẻ căn cước, khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

9. Thông tin được in trên thẻ căn cước

Luật Căn cước 2023 đã bỏ thông tin về “quê quán” trong Luật 2014, đồng thời thay đổi nơi cấp căn cước là Bộ Công an; thay đổi thông tin nơi thường trú thành nơi cư trú; bổ sung nơi đăng ký khai sinh.

10.Người được cấp thẻ căn cước 

Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.

Luật năm 2023 bên cạnh kế thừa Luật 2014 còn bổ sung thêm Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

11.Độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước

Ngoài 3 trường hợp độ tuổi cấp đối thẻ căn cước như Luật 2014 (đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi., Luật 2023 bổ sung thêm trường hợp Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi.

12.Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp

Đây là nội dung hoàn toàn mới của Luật Căn cước 2023, theo đó:  Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

 Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

13.Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước

Luật Căn cước công dân 2014 quy định 6 trường hợp cấp đổi thẻ căn cước. Luật 2023 quy định 7 trưởng hợp cấp đổi, tuy nhiên bổ sung thêm một số nội dung như:  Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;  Xác lập lại số định danh cá nhân.

14. Rút ngăn Thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Luật Căn cước công dân 2014 quy định thời gian cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân tùy từng vùng mà thời gian giải quyết từ 7 ngày đến 20 ngày. Luật năm 2023 đã rút ngắn thời gian giải quyết, không phân biệt ở thành thị, nông thôn, miền núi, cụ thể: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

15. Giấy chứng nhận căn cước và quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước

Đây là quy định mới của Luật căn cước năm 2023, cụ thể: Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

 Giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:

+Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

+ Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

16.Căn cước điện tử

Đây là quy định mới của Luật căn cước năm 2023, cụ thể:  Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.

Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *