Theo quy định tại Khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính áp dụng trong 3 trường hợp:
– Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;
– Để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
– Để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm quyền tạm giữ tang vật VPHC
Và người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì có quyền tạm giữ những tang vật, phương tiện khi giá trị của nó không vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền của họ. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị tối đa không quá 50 triệu.
Việc quy định thẩm quyền tạm giữ như trên đã gây nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng, nhất là trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính an toàn giao thông thì giá trị của xe ô tô rất lớn, vượt mức thẩm quyền tạm giữ của Trưởng Công an cấp huyện, Chủ tịch huyện, Giám đốc Công an tỉnh, trong khi thẩm quyển xử phạt thì thuộc về họ nhưng họ lại không được tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền tạm giữ lại là Chủ tịch UBDN cấp tỉnh. Quy định này không phù hợp với thực tế, bởi lẽ đối với hành vi vi phạm trong an toàn giao thông, thường tạm giữ khi người điều khiển phương tiện giao thông say rượu, bia, khi họ hết say thì điều kiện để tạm giữ không còn, nếu làm thủ tục trình lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì không đảm bảo thời gian và tính khả thi. Vì vậy, thực tế Trưởng Công an cấp huyện ban hành quyết định tạm giữ và trả lại tang vật cho người vi phạm, chứ không trình lên cấp có thẩm quyền.
Một vướng mắc nữa là trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sĩ cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, công chức hải quan, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ.
Vướng mắc tạm giữ tang vật VPHC có giá trị lớn
Quy định này sẽ không phù hợp trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị lớn, vượt thẩm quyền của Trưởng Công an huyện thì người lập biên bản phải báo cáo với ai để ra quyết định tạm giữ? Trưởng Công an huyện thì không được, mặc dù là thủ trưởng nhưng lại không có thẩm quyền tạm giữ do giá trị tang vật lớn. Báo cáo lên Giám đốc Công an tỉnh càng không được vì không phải là cấp trên trực tiếp.
Một vướng mắc nữa là thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, luật quy định là 7 ngày, trong khi đối với trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì Khoản 3 Điều 25 lại quy định “Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề”
Phương Thảo