Theo Luật xử lý vi phạm hành chính thì biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng kèm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng độc lập trong một sốtrường hợp.
Trường hợp nào áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả độc lập
Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; hết thời hiệu xử phạt hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt; Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt; hoặc là những trường hợp không xử phạt hành chính theo Điều 11 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Và Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh và trong từng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định cụ thể thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả một cách độc lập không đi kèm với quyết định xưt phạt vi phạm hành chính thì phát sinh cách hiểu khác nhau về thẩm quyền.
Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sao cho đúng?
Một số ý kiến cho rằng khi áp dụng một cách độc lập biện pháp khắc phục hậu quả thì chỉ cần căn cứ vào thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên từng lĩnh vực để xác định thẩm quyền, không cần phải căn cứ vào khung tiền phạt, miễn là đối với hành vi đó có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì những người có thẩm quyền theo quy định của Luật XLVPHC và Nghị định chuyên ngành có quyền áp dụng.
Cưỡng chế thi hành quyết định khắc phục hậu quả – Nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm trên, vì việc xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải căn cứ vào thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt đến mức nào thì được áp dụng khắc phục hậu quả đến mức đó. Và theo Khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật XLVPHC.
Người viết đồng tình với quan điểm thứ 2, bởi vì Khoản 2 Điều 65 quy định cụ thể người có thẩm quyền xử phạt mà không xử phạt thì áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, điều đó đồng nghĩa với việc thẩm quyền khắc phục hậu quả đi liền với thẩm quyền xử phạt. Và cách hiểu này phù hợp với các Nghị định xử phạt trên lĩnh vực chuyên ngành, có những hành vi Chủ tịch xã và Chủ tịch huyện đều có thẩm quyền buộc khắc phục hậu quả nhưng tương ứng với mức phạt tiền khác nhau thì thẩm quyền áp dụng cũng khác nhau.
(Thời hạn gửi quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bao nhiêu ngày?)
Ví dụ: ông Nguyễn Văn A có hành vi chiếm đất ở do UBND xã quản lý từ năm 01/2015, đến tháng 6/2017 mới phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính. Do hết thời hiệu xử phạt nên không xử phạt nhưng áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thẩm quyền áp dụng của Chủ tịch UBND xã vì trường hợp này không xử phạt mà chỉ buộc khôi phục tình trạng ban đầu.
Clip giải đáp vướng mắc trong áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả
Quan điểm thứ hai thì thẩm quyền này thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện vì hành vi này nếu xử phạt thì bị phạt từ 5-10 triệu theo Khoản 3 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực đất đai (nay là Nghị định 91/2019/NĐ-CP), vượt thẩm quyền của Chủ tịch xã mà thuộc Chủ tịch huyện nên thẩm quyền cưỡng chế của Chủ tịch huyện
Từ ví dụ trên cho thấy thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải đi liền với thẩm quyền xử phạt, do đó trước khi áp dụng cần phải xem kỹ mức phạt tiền đối với hành vi đó là bao nhiêu, đối chiếu với thẩm quyền xử phạt của từng chức danh rồi mới xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Rất mong nhận được trao đổi của bạn đọc.
Phương Thảo