Những điểm khác nhau giữa BLDS 2015 và BLDS 2005 (phần 2)

Bộ luật dân sự 2015 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2017, so với BLDS 2005 thì BLDS 2015 có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, để bạn đọc tiện theo dõi, trangtinphapluat.com trân trọng giới thiệu lượt bài viết về những điểm khác nhau giữa 2 bộ luật này.

Những điểm khác nhau giữa BLDS 2015 và BLDS 2005 (phần 1)

1. Về căn cứ xác lập quan hệ dân sự:

Cả 2 luật đều quy định 9 căn cứ xác lập, tuy nhiên BLDS 2015 quy định cụ thể hơn, bên cạnh quy định kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ như BLDS 2005 thì BLDS 2015 còn quy định Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh cũng là căn cứ để xác lập quan hệ dân sự

2. Về phương thức bảo vệ quan hệ dân sự

Bên cạnh việc kế thừa các phương thức được quy định trong BLDS 2005, BLDS 2015 bổ sung thêm các phương thức sau:

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức  có thẩm quyền tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình

+ Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

+ Yêu cầu khác theo quy định của luật

3. Về năng lực hành vi dân sự

Cơ bản BLDS 2015 kế thừa các quy định của BLDS 2005, tuy nhiên đối với quy định năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì BLDS 2015 quy định cụ thể người chưa thành niên có quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

So sánh Bộ luật dân sự 2015 với BLDS 2005
So sánh Bộ luật dân sự 2015 với BLDS 2005

– BLDS 2015 cũng quy định thêm trường hợp “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”, cụ thể: 1”Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.”

4. Về yêu cầu tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự

BLDS 2005 chỉ quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự. BLDS 2015 quy định thêm các cơ quan, tổ chức hữu quan cũng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự. Quy định này mở rộng đối tượng và phù hợp trên thực tế đối với những trường hợp người có nghĩa vụ liên quan không đề nghị hoặc không có người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

5. Về quyền nhân thân:

Cả 2 bộ luật đều quy định quyền nhân thân là quyền dân sự gắn với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, BLDS 2015, quy định cụ thể việc thực hiện quyền nhân thân đối với những người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

BLDS 2015 quy định chi tiết, rõ ràng về quyền họ tên của cá nhân, quy định họ của con được lấy theo họ của cha hoặc của mẹ, trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì lấy theo họ mẹ đẻ.

Người Việt Nam có được đặt tên tiếng nước ngoài
Người Việt Nam có được đặt tên tiếng nước ngoài

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Quy định này tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký và quản lý hộ tịch.

BLDS 2005 không quy định cụ thể về cách đặt tên nên trong thực tế có nhiều người đặt tên nước ngoài cho con như : suzuki, zamaha…BLDS 2015 quy định việc đặt tên không được xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, trái nguyên tắc của BLDS và tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

Những điểm khác nhau giữa BLDS 2015 với BLDS 2005 (phần 3)

Phương THảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *