Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc một vụ án hành chính liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính của cộng đồng dân cư đã xét xử phúc thẩm bởi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vào tháng 7/2020 để bạn đọc tham khảo, áp dụng vào công việc.
I. Nội dung vụ án
* Theo Đơn khởi kiện ngày 20/5/2019, Đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 27/5/2019, Văn bản giải trình đơn khởi kiện ngày 20/5/2019, Bản tự khai ngày 03/6/2019 và tại phiên họp đối thoại ngày 23/7/2019, người khởi kiện ông Phạm Văn T và người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện trình bày:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) huyện Ý Y, tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC ngày 19/4/2018 (sau đây viết tắt là
Quyết định số 1890) về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cộng đồng dân cư thôn Dương H với lý do: Xây dựng công trình cổng làng lấn chiếm hành lang bảo vệ khu di tích lịch sử – văn hóa đền vua Đinh, xă Yên Th, huyện Ý Y, tỉnh Nam Định. Ông Phạm Văn T cho rằng nội dung Quyết định số 1890 không đúng quy định của pháp luật, cụ thể:
Hướng dẫn Xử phạt vi phạm hành chính cộng đồng dân cư
– Về đối tượng xử phạt vi phạm hành chính: Quyết định số 1890 đã xác định
sai chủ thể vi phạm hành chính, bởi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 việc xử lý vi phạm hành chính chỉ được tiến hành đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Cộng đồng dân cư thôn Dương H không phải là cá nhân cũng không phải là tổ chức, việc xây dựng công trình cổng làng do một số cá nhân đứng ra thực hiện nên nếu xác định đúng thực tế có vi phạm hành chính thì UBND huyện Ý Y phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với từng cá nhân thực hiện việc xây dựng.
Theo khoản 8 Điều 1 Thông tư số 14 ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ quy định về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012 ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì trưởng thôn không có nghĩa vụ, quyền hạn đại diện cho cộng đồng dân cư trong thôn. Cộng đồng dân cư thôn Dương H không có văn bản cử trưởng thôn (ông Phạm Văn T) là người đại diện trong việc xử lý và thực hiện các nghĩa vụ trong việc xử lý vi phạm hành chính với cơ quan có thẩm quyền. Bản thân ông T cũng không đồng ý làm đại diện cho cộng đồng dân cư thôn Dương H trong sự việc này.
– Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính: Không đúng quy định tại khoản 2 Điều 69 Nghị định số 139/CP/2017 ngày 27/11/2017 của Chính phủvề xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Bởi người lập biên bản vi phạm hành chính là người không có thẩm quyền lập.
(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
– Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có vi phạm, cụ thể tại thời điểm xây dựng (tháng 7/2017) đại diện UBND xã Yên Th đến làm việc nhưng không lập biên bản vi phạm ngay tại thời điểm đó mà sau đó 08 tháng – ngày 13/3/2018, UBND xã Yên Th mới lập Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-KNBB về sự việc trên. Việc làm này đã vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
– Việc xác định công trình xây dựng cổng làng thôn Dương H vi phạm khu vực bảo vệ 2 di tích lịch sử văn hóa đền vua Đinh, xã Yên Th, huyện Ý Y là không có căn cứ bởi UBND huyện Ý Y căn cứ Quyết định số 04 ngày 02/01/1996 của UBND tỉnh Nam Hà về công nhận di tích lịch sử văn hóa là không đúng, bởi Quyết định số 04 đã vi phạm thẩm quyền ban hành do thẩm quyền công nhận di tích lịch sử thời điểm đó thuộc Bộ trưởng Bộ Văn hóa chứ không thuộc UBND tỉnh.
Vì vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định tuyên hủy Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC do Chủ tịch UBND huyện Ý Y ban hành ngày 19/4/2018.
II. Xét xử của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
[2] Xét tính hợp pháp của Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC và Quyết định số 5426/QĐ-QĐXPVPHC.
[2.1]. Về thẩm quyền:
Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-KNBB do UBND xã Yên Th lập hồi 9 giờ 15 phút ngày 13/3/2018 và Tờ trình số 10/TTr-UBND ngày 09/4/2018 của UBND xã Yên Th về hành vi xây dựng công trình cổng làng lấn chiếm hành lang bảo vệ khu di tích lịch sử – văn hóa đền vua Đinh, xã Yên Th, huyện Ý Y. Chủ tịch UBND huyện Ý Y đã ban hành Quyết định số 1890/QĐXPVPHC là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (viết tắt là Nghị định 139/2017/NĐ-CP) và khoản 2 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Sau đó, Chủ tịch UBND huyện Ý Y ban hành Quyết định số 5426/QĐQĐXPVPHC về việc sửa đổi Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC theo đó đã bỏ hình thức phạt tiền tại điểm a khoản 6 Điều 1 và việc chi trả chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả tại điểm c khoản 6 Điều 1 Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC là phù hợp về thẩm quyền quy định tại Điều 56 Luật Tố tụng hành chính.
[2.2]. Về trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn:
– Về trình tự, thủ tục:
Ngày 04/8/2017, thôn Dương H có Tờ trình gửi UBND xã Yên Th đề nghị cho phép xây dựng cổng làng văn hóa trên con đường phía Nam của di tích. Tuy nhiên, khi chưa có ý kiến của UBND xã Yên Th và các cơ quan liên quan, chưa có sự đồng thuận của nhân dân thôn Tam Quang thì ngày 07/8/2017 thôn Dương H đã tổ chức khởi công xây dựng cổng làng. Công dân thôn Tam Quang đã gửi đơn và trực tiếp đến UBND xã Yên Th, UBND huyện Ý Y phản ánh không nhất trí việc xây dựng với lý do ảnh hưởng đến cảnh quan di tích đền vua Đinh. UBND xã Yên Th ban hành Thông báo số 37/TB-UBND ngày 09/8/2017 chỉ đạo tạm dừng xây dựng, để Ủy ban xã kiểm tra, xác minh và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định nhưng thôn Dương H vẫn tiếp tục dựng cốt pha, đổ cột bê tông để xây dựng. UBND xã Yên Th ban hành Thông báo số 38/TB-UBND ngày 15/8/2017 xác định vị trí xây dựng cổng làng thôn Dương H nằm trên thửa đất số 253 (theo bản đồ quy hoạch khu vực bảo vệ đền vua Đinh) thuộc khu vực bảo vệ 2 của khu di tích đền vua Đinh.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định ban hành Công văn số 637/SVHTTDL-TTr ngày 28/8/2017 trả lời đơn của công dân với nội dung việc
xây dựng cổng làng của thôn Dương H trên đất thuộc khu vực 2 của di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm khoản 3 Điều 32 Luật Di sản văn hóa.
Ngày 07/11/2017, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, UBND huyện Ý Y, UBND xã Yên Th tổ chức xác
định mốc giới tại thực địa. Kết quả xác định mốc giới như sau: Vị trí xây dựng cổng làng thôn Dương H thuộc khu vực bảo vệ 2 của di tích đền vua Đinh.
Ngày 13/3/2018, UBND xã Yên Th tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với cộng đồng dân cư thôn Dương H do ông Phạm Văn T – Trưởng thôn là đại diện, có sự chứng kiến của thường trực Đảng ủy xã và đại diện một số cơ quan chuyên môn của huyện. Ngày 02/4/2018 và ngày 09/4/2018, UBND huyện Ý Y tiến hành mời đại diện cộng đồng dân cư thôn Dương H lên để đối thoại, giải trình nhưng đại diện cộng đồng dân cư thôn Dương H đều vắng mặt. UBND xã Yên Th có Tờ trình số 10/TTr-UBND ngày 09/4/2018 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND huyện Ý Y ban hành Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC ngày 19/4/2018 xử phạt vi phạm hành chính đối với cộng đồng dân cư thôn Dương H là đúng trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 57, Điều 58, Điều 59 và Điều 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
– Về thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định:
Biên bản vi phạm hành chính được UBND xã Yên Th lập vào ngày 13/3/2018 và ngày 19/4/2018 xác định cộng đồng dân cư thôn Dương H do ông Phạm Văn T – Trưởng thôn là đại diện, đã có hành vi xây dựng công trình cổng làng lấn chiếm hành lang bảo về khu di tích lịch sử – Văn hóa đền thờ vua Đinh.
Do đó, Chủ tịch UBND huyện Ý Y ban hành Quyết định số 1890 QĐ-XPVPHC là đảm bảo thời hiệu, thời hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 2 Điều 5 Nghị Định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.
– Về thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính:
Ngày 13/3/2018, UBND xã Yên Th tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với cộng đồng dân cư thôn Dương H do ông Phạm Văn T – Trưởng thôn là đại diện. Bà Ngô Thị Hoa – Cán bộ Văn hóa Thông tin của xã là người lập (Viết) biên bản, có sự tham gia của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, cán bộ Địa chính Môi trường, cán bộ Tư pháp xã Yên Th. Ngoài ra việc lập biên bản còn có sự chứng kiến của thường trực Đảng ủy xã và đại diện một số cơ quan chuyên môn của huyện Ý Y. Như vậy, Biên bản vi phạm hành chính lập ngày 13/3/2018 đảm bảo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 69 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.
[2.3]. Về nội dung của Quyết định:
– Về đối tượng bị xử phạt:
Người khởi kiện cho rằng Quyết định số 1890 đã xác định sai chủ thể vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Hội đồng xét xử thấy rằng: Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP thì “Hộ gia đình, cộng đồng dân cư … được gọi chung là cá nhân”. Như vậy, cộng đồng dân cư thôn Dương H được coi là cá nhân khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Về tư cách đại diện của ông Phạm Văn T cho cộng đồng dân cư thôn Dương H, Hội đồng xét xử xét thấy: Với tư cách là Trưởng thôn ngày 02/8/2017, khi cán bộ và nhân dân thôn Dương H lập tờ trình xin phép xây dựng cổng làng, ông Phạm Văn T đại diện nhân dân – Trưởng ban kiến thiết ký tờ trình; ngày 13/3/2018 UBND xã Yên Th lập Biên bản vi phạm hành chính thì ông Phạm Văn T với tư cách là Trưởng thôn – đại diện cho cộng đồng dân cư thôn Dương H tham dự vào việc lập biên bản; sau khi nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngày 13/4/2018 tại cuộc họp toàn thể nhân dân thôn Dương H đã thống nhất cử ra một số người trong đó có ông Phạm Văn T thay mặt toàn thể nhân dân làm đơn khiếu nại, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan cho đến khi vụ việc cổng làng thôn Dương H được giải quyết xong. Như vậy, việc Chủ tịch UBND huyện Ý Y ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cộng đồng dân cư thôn Dương H do ông Phạm Văn T là đại diện là có cơ sở pháp luật.
– Về hình thức xử phạt:
Xét tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, đối chiếu với các quy định của pháp luật, cho thấy hình thức xử phạt chính là: Phạt tiền 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng) và biện pháp khắc phục buộc tháo dỡ công trình cổng làng xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ khu di tích lịch sử – văn hóa đền vua Đinh mà Chủ tịch UBND huyện Ý Y ban hành tại Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC là có căn cứ và phù hợp với quy định tại Điểm d khoản 7 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Ý Y xuất trình Quyết định số 5426/QĐ-QĐXPVPHC ngày 28/7/2020 có nội dung bỏ hình thức phạt tiền và việc chi trả chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả tại Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC là phù hợp và đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt của đương sự. Như vậy, đối tượng khởi kiện chỉ còn lại nội dung áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo quy định tại Điều 235 Luật Tố tụng hành chính thì ông Phạm Văn T vẫn giữ yêu cầu khởi kiện đối với nội dung xử phạt vi phạm hành chính là không cơ sở chấp nhận.
[3] Đối với Quyết định số 04/QĐUB ngày 02/01/1996 của UBND tỉnh Nam Hà về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa đền vua Đinh ở xã Yên Th, huyện Ý
Y. Hội đồng xét xử xét thấy:
Về thẩm quyền của cơ quan ban hành Quyết định số 04/QĐUB nêu trên chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ban hành. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 cũng như các quy định của pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa thì việc công nhận di tích lịch sử văn hóa đền vua Đinh ở xã Yên Th, huyện Ý Y thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Nam Định. Và trên thực tế, đền vua Đinh ở xã Yên Th, huyện Ý Y là di tích đã được xây dựng lâu đời, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; được các thế hệ cộng đồng dân cư địa phương bảo vệ, tu bổ, giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích. Ý kiến của Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Công văn số 408/DSVH-DT ngày 15/6/2019, cũng như trả lời của UBND tỉnh Nam Định đối với kiến nghị của nhân dân tại Công văn số 446/UBND-VP8 ngày 28/6/2019 đều xác định việc kiến nghị thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 04/QĐUB ngày 02/01/1996 của UBND tỉnh Nam Hà không còn hiệu lực xem xét. Di tích lịch sử đền vua Đinh ở xã Yên Th, huyện Ý Y phải được bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Hành vi của cộng đồng dân cư thôn Dương H thực hiện xây dựng ảnh hưởng đến di tích lịch sử là trái pháp luật, cần phải khắc phục. Do đó, nội dung Quyết định số 1890/QĐ-XPVPHC của Chủ tịch UBND huyện Ý Y buộc tháo dỡ công trình cổng làng xây dựng vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ khu di tích lịch sử – văn hóa đền vua Đinh là cần thiết và đúng pháp luật.
Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn T về việc yêu cầu hủy Quyết định số 1890/QĐXPVPHC của Chủ tịch UBND huyện Ý Y. Chấp nhận quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Rubi