Vướng mắc trong tạm giữ tang vật vi phạm trật tự xây dựng

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép thực hiện theo Luật Xây dựng, Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, và các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Trong quá trình xử lý vi phạm để ngăn chặn kịp thời, giảm thiệt hại cho người vi phạm cũng như xã hội thì cần phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như: giàn giáo, máy trộn bê tông…Tuy nhiên, hiện nay việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng còn có ý kiến khác nhau, cụ thể:

1. Về căn cứ tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 1 điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì có 3 trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, gồm:

+ Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;

+ Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

Thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Vướng mắc trong tạm giữ tang vật vi phạm trật tự xây dựng

+ Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Căn cứ vào quy định trên thì chỉ khi nằm một trong ba trường hợp này mới có thể tạm giữ tang vật, phương tiện….vi phạm hành chính.

Vậy, khi phát hiện cá nhân, tổ chức đang xây dựng công trình không phép, trái phép thì người có thẩm quyền có được tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hay không?

Có ý kiến cho rằng, theo 3 trường hợp trên thì đối với vi phạm trật tự xây dựng mà khi phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính thì chưa đủ cơ sở để tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, vì: Hành vi vi phạm đã rõ, việc tạm giữ tang vật, phương tiện không phải là căn cứ để xử phạt; không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nếu như chỉ xây dựng nhà riêng lẻ, công trình khác; cũng không thuộc trường hợp để thi hành quyết định phạt tiền.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, khi phát hiện hành vi xây dựng không phép, sai phép thì người có thẩm quyền cần ban hành quyết định tạm giữ để ngăn chặn hành vi vi phạm và làm cơ sở để xác định đối tượng vi phạm hành chính, thời gian thực hiện hành vi hành chính thông qua việc xác minh ai là người thuê phương tiện, thời gian thuê…

2. Tạm giữ tang vật, phương tiện sau khi đã lập biên bản vi phạm hành chính

Ngoài việc tạm giữ tang vật, phương tiện khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi xây dựng không phép, sai phép (giai đoạn lập biên bản vi phạm hành chính), thì người có thẩm quyền có thể tạm giữ sau khi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền.

Cụ thể, theo điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền trong trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng có quy định và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt”

Căn cứ vào khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì có 02 trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đó là khi phát hiện hành vi vi phạm lập biên bản vi phạm hành chính và sau khi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, đối với việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lúc phát hiện hành vi xây dựng không phép, sai phép còn quy định chưa rõ như: Thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội?. Do đó, cần thiết phải bổ sung, hướng dẫn giải thích về gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội để làm cơ sở cho việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Quan điểm của trangtinphapluat.com cho rằng, đối với hành vi vi phạm lĩnh vực xây dựng, cụ thể là xây  dựng không phép, sai phép thì khi phát hiện vi phạm hành chính có thể căn cứ vào Điều 125 để tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc sau khi lập biên bản vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức tiếp tục vi phạm thì ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện. Hoặc cũng có thể tạm giữ 02 lần, lần 01 lúc lập biên bản vi phạm hành chính, lần 02 sau khi lập biên bản vi phạm hành chính đã yêu cầu tạm dừng vi phạm mà tiếp tục vi phạm thì áp dụng biện pháp ngăn chặn – tạm giữ tang vật, phương tiện theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

Chúng tôi rất mong muốn nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Ý kiến tham gia vui lòng để ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Thanh Tuấn – Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *