Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu một số văn bản pháp luật có hiệu lực trong tháng 6/2020 như: Cưỡng chế thi hành án, hướng dẫn xử phạt hành chính về vi phạm mua sắm tài sản công, định giá tài sản theo giá thị trường…
1.Các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, có hiệu lực 01/6/2020.
Theo đó, Biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm:
– Phong tỏa tài khoản.
– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản).
– Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.
2. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn
Ngày 27/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn, có hiệu lực 15/6/2020.
Theo đó, Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn gồm:
– Xây dựng và kinh doanh sân gôn khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
– Lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép.
– Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về tư vấn tâm lý cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù
Nghị định 49/2020/NĐ-CP năm 2020 hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, có hiệu lực 15/6/2020.
Theo đó, Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung tư vấn bao gồm:
– Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội;
– Tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng;
– Tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan.
4. Quy định về căn cứ định giá theo giá thị trường của tài sản
Ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2020/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 30/2018/NĐ-CP hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 30/2018/NĐ-CP, có hiệu lực ngày 01/6/2020.
Theo đó, Giá thị trường của tài sản là giá giao dịch phổ biến trên thị trường của loại tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm định giá và địa điểm định giá được yêu cầu định giá.
Giao dịch phổ biến trên thị trường là hoạt động mua, bán tài sản được tiến hành hợp pháp và công khai trên thị trường. Một tài sản được coi là có giao dịch phổ biến khi có ít nhất 03 tài sản tương tự có giao dịch mua, bán trên thị trường. Mức giá giao dịch phổ biến được thu thập là giá mua, bán thực tế của giao dịch thành công; giá niêm yết của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giá chào bán, giá chào mua; giá kê khai; giá trúng thầu; giá ghi trên hóa đơn, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ…
5. Hướng dẫn xử lý hành vi mua sắm tài sản công không đúng quy định
Ngày 17/4/2020, Bộ tài chính ban hành Thông tư 29/2020/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực 02/6/2020.
Theo đó, Hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi tại thời điểm ký Hợp đồng mua sắm (đối với trường hợp phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) hoặc tại thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng (đối với trường hợp không phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) không có Quyết định về mua sắm tài sản công của cấp có thẩm quyền. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 (sau đây gọi là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 63/2019NĐ-CP thì hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền là hành vi vi phạm hành chính, bị phạt tiền từ 1.000.000đ đến 50.000.000đ.
6. Bãi bỏ Thông tư 01/2011/TT-BNV về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính
Ngày 16/4/2020, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2020/TT-BNV bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, từ ngày 15/6/2020, Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính sẽ hết hiệu lực thi hành.
Việc soạn thảo văn bản hành chính sẽ thực hiện theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.
(xem những điểm mới của Nghị định 30/2020/NĐ-Cp về công tác văn thư)
PHương Thảo