Một bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp thắc mắc liên quan đến giao nhận biên bản vi phạm hành chính, cụ thể như sau: E hỏi chút anh ơi ? Biên bản vi phạm hành chính em không ký nhưng có người chứng kiến ký , nên muốn nhận biên bản có được không hay cơ quan công an họ giữ và không đưa biên bản cho em.
Trangtinphapluat.com trả lời bạn như sau:
Quy định về ký biên bản vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 4, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều này.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Người vi phạm có thể không ký biên bản
Hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính về lập biên bản, tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định:
Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì biên bản vi phạm hành chính người vi phạm không ký mà có người chứng kiến ký như trường hợp bạn đọc hỏi thì biên bản đó vẫn có giá trị pháp lý để làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Biên bản phải được gửi cho người vi phạm
+ Theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.
+ Theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì Giao biên bản vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
– Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản;
– Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó;
– Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính hoặc có mặt nhưng từ chối nhận hoặc có căn cứ cho rằng cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh không nhận biên bản, thì việc giao biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành.
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và điểm c khoản 6 Điều 12 Nghị định 118 thì trường hợp người vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản vi phạm hành chính vẫn phải giao cho người vi phạm 01 bản để biết chấp hành, cụ thể việc giao nhận thực hiện theo Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau:
– Đối với trường hợp biên bản vi phạm hành chính được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận biên bản vi phạm hành chính có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là biên bản vi phạm hành chính đã được giao.
– Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày biên bản vi phạm hành chính đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; biên bản vi phạm hành chính đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức vi phạm hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận biên bản vi phạm hành chính thì được coi là biên bản vi phạm hành chính đã được giao.
Tóm lại, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì trường hợp người vi phạm không ký biên bản vi phạm hành chính thì biên bản vi phạm hành chính vẫn phải được giao cho người vi phạm bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp để người vi phạm biết được hành vi vi phạm của mình.
Rubi