Cấp trưởng ban hành văn bản có sai sót, cấp Phó có được ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản của cấp Trưởng hay không. Đây là tình huống pháp lý phát sinh thường xuyên trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định về ban hành văn bản hành chính (thông thường là các quyết định hành chính), thẩm quyền ban hành, thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản; hình thức sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản hành chính khi có sai sót. Trangtinphapluat.com sẽ đưa ra các tình huống về ban hành văn bản hành chính thuộc thẩm quyền của cá nhân và thuộc thẩm quyền của tập thể, từ đó dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan để trả lời cho câu hỏi mà nhiều bạn đọc đang thắc mắc: Cấp phó có được sửa đổi, hủy bỏ văn bản của cấp Trưởng?
1. Về thẩm quyền ban hành văn bản hành chính
Hiện nay, chưa có Luật quy định về ban hành văn bản hành chính mà chỉ có Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư, Nghị định 09/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110/2004/NĐ-CP, Thông tư 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính (Nay là Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư có hiệu lực 5/3/2020).
Việc ban hành văn bản hành chính chủ yếu dựa vào các Luật chuyên ngành như Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND các cấp, Luật Đất đai quy định về thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh…
Tựu chung lại, thẩm quyền ban hành văn bản hành chính được chia làm 2 loại: Thẩm quyền tập thể và thẩm quyền cá nhân. Tùy vào từng lĩnh vực, từng vụ việc cụ thể mà cơ quan tham mưu xác định văn bản ban hành là thẩm quyền của tập thể hay cá nhân.
+ Đối với thẩm quyền của tập thể:
Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định 110/2010/NĐ-CP (Nay là Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư có hiệu lực 5/3/2020). thì việc ký văn bản thực hiện như sau: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt (TM.) tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức;
Cấp phó của người đứng đầu và các thành viên giữ chức vụ lãnh đạo khác được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo uỷ quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.
(Phó Chủ tịch UBND có được hủy bỏ Quyết định xử phạt hành chính)
+ Đối với thẩm quyền của cá nhân:
Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 110/2004/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 09/2010/NĐ-CP (Nay là Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư có hiệu lực 5/3/2020). thì việc ký văn bản thực hiện như sau: Ở cơ quan tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký thay (KT.) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Cấp phó ký thay chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật.
Như vậy, đối với văn bản thẩm quyền của tập thể hay cá nhân thì thẩm quyền ký luôn thuộc về người đứng đầu, cấp phó chỉ được ký thay khi được phân công, ủy quyền.
(Quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong cơ quan hành chính)
2. Thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản ban hành có sai sót
2.1. Hình thức văn bản sửa đổi, bổ sung
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 110/2004/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 09/2010/NĐ-CP (Nay là Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư có hiệu lực 5/3/2020) thì sửa đổi văn bản có sai sót như sau:
Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về nội dung phải được sửa đổi, thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
(Tải slide bài giảng Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư)
Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về thế thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành phải được đính chính bằng văn bản hành chính của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
Như vậy, theo quy định trên thì khi văn bản đã phát hành có sai sót về nội dung thì phải ban hành văn bản có hình thức tương đương, tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn những loại văn bản nào có hình thức tương đương nhau (Quyết định có tương đương thông báo, công văn, chỉ thị… không?)
Ví dụ: Trước đây ban hành Quyết định thì khi sai sót ban hành Quyết định để sửa đổi, bổ sung hay là ban hành Công văn, Thông báo để sửa đổi? Vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.
2.2. Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung
Như đã phân tích ở trên thì dù văn bản ban hành ở chế độ tập thể (ký Thay mặt) hay chế độ cá nhân (ký trực tiếp theo chức danh) thì vẫn do người đứng đầu cơ quan đơn vị ký, cấp phó chỉ được ký khi được phân công, ủy quyền. Do đó, nếu văn bản trước đây do cấp trưởng ký thì khi văn bản có sai sót thì cấp trưởng phải ký văn bản để sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp cấp phó được phân công, ủy quyền của cấp trưởng thì cấp phó được ký văn bản để sửa đổi, bổ sung văn bản mà trước đây cấp trưởng đã ký có sai sót.
(Trường hợp nào cấp Phó được ký thay cấp Trưởng)
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về việc cấp Phó có được sửa đổi, bổ sung văn bản do cấp Trưởng ký hay không? Ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết. Cảm ơn.
Rubi