Xin chào trangtinphapluat.com. Tôi là công chức Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường có một vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính. Mong trang tin pháp luật giải đáp.
Theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định 04/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ, quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính:
“Điều 69. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
1. Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản được lập theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính
2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này gồm:
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đang thi hành công vụ, nhiệm vụ;
b) Công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đang thi hành công vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3.Người có thẩm quyền lập biên bản quy định tại khoản 2 Điều này có quyền lập biên bản hành chính về những vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.
4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản một lần. Nếu một hành vi vi phạm hành chính đã bị lập biên bản thì không lập biên bản lần thứ hai đối với chính hành vi đó.
Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản mà sau đó cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục thực hiện, mặc dù người có thẩm quyền xử phạt đã buộc chấm dứt hành vi vi phạm, thì khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
5. Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần thì biên bản xử phạt phải thể hiện đầy đủ các hành vi vi phạm hoặc số lần vi phạm”.
Vậy cho tôi hỏi, theo quy định này thì cấp xã chỉ có Chủ tịch UBND cấp xã (người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản) mới có thẩm quyền lập biên bản, còn tôi là công chức được phân công nhiệm vụ không có thẩm quyền lập biên bản.
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
1. Quy định chung về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính như sau:
“Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính
1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.
Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga”
+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luậ Xử lý vi phạm hành chính
“1. Lập và chuyển biên bản vi phạm hành chính:
a) Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền;
b) Trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thể lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc.
Biên bản làm việc quy định tại các điểm a và b khoản này là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính;
c) Trường hợp phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thì địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
d) Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.”
Lập biên bản vi phạm hành chính(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
2. Công chức địa chính xây dựng cấp xã không có quyền lập biên bản
Như vậy, căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Điều 64, Điều 66 và Khoản 2 Điều 69 Nghị định 36/2020/NĐ-CP và Nghị định 04/2022/NĐ-CP thì đối với cấp xã những người sau đây có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sau đây có quyền lập biên bản vi phạm hành chính:
– Chủ tịch UBND cấp xã (Điều 64). Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã giao quyền cho Phó chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt thì Phó chủ tịch UBND cấp xã cũng có quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
– Công an xã (Điều 66): chiến sĩ công an, phó trưởng Công an xã, phường.
Tóm lại, đối với vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản thì ở cấp xã công chức địa chính – xây dựng không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính mà chỉ có Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND (trường hợp được giao quyền xử phạt), Công an cấp xã mới có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Chê câu trả lời nha; người lập biên bản vi phạm hành chính khác người xử phạt hành chính nha; cán bộ địa chính vẫn lập biên bản vi phạm hành chính bình thường nha