Trangtinphapluat.com biên soạn, giới thiệu các văn bản pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 9/2019 như: Quy định chuyển đổi đất trồng lúa; xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử phạt VPHC lĩnh vực đê điều, phòng chống thiên tai; điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke…
1. Thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Ngày 11/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có hiệu lực 01/9/2019. Theo đó thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thực hiện như sa:
– Đối tượng có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gửi 01 bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP, gồm:
+ Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp (người sử dụng đất) có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản;
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm.
– Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất, chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.
– Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của Ủy ban nhân dân cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào Bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.
-Trường hợp không đồng ý, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này”.
2. Phạt đến 60 triệu đồng nếu cho mượn tài sản công trái quy định
Ngày 11/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, có hiệu lực 01/9/2019.
Theo đó, Phạt tiền đối với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) theo các mức phạt sau:
+ Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
+ Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
3. Trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke
Ngày 19/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, có hiệu lực 01/9/2019.
Theo đó, trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke như sau:
– Chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành.
– Chấp hành pháp luật lao động với người lào động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động.
– Bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
– Tuân thủ quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu.
(Slide bài giảng tuyên truyền Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia)
– Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
– Bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
– Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
4. Quy định tổ chức bị xử phạt VPHC lĩnh vực đê điều
Ngày 18/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đề điều, có hiệu lực 09/9/2019.
Theo đó, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được xác định như sau:
– Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
– Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
– Tổ chức thủy lợi cơ sở được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Thủy lợi, Luật hợp tác xã, Bộ luật dân sự, gồm: hợp tác xã, tổ hợp tác;
– Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài (trừ nhà đầu tư cá nhân); tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
– Các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
5. Nguyên tắc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước
Ngày 05/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, có hiệu lực 16/9/2019.
Theo đó, nguyên tắc xét tặng giải thưởng Hồ Chính Minh, giải thưởng Nhà nước như sau:
– Việc đăng ký đề nghị xét tặng giải thưởng về khoa học và công nghệ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện;
– Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện khách quan, công khai, công bằng, chính xác;
– Mỗi công trình chỉ được đề nghị xét tặng một giải thưởng trong một đợt xét tặng giải thưởng.
– Công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước; Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
6. 9 hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện
Ngày 17/7/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL về Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, Danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm, có hiệu lực 01/9/2019/
Theo đó có 9 hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện gồm:
TT | Hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện | Thuộc môn thể thao |
1 | Tập luyện, thi đấu Leo núi nhân tạo | Leo núi thể thao |
2 | Tập luyện, thi đấu Trượt băng | Trượt băng |
3 | Tập luyện, thi đấu Đua ngựa | Đua ngựa |
4 | Tập luyện, thi đấu Kiếm thể thao | Đấu kiếm thể thao |
5 | Tập luyện, thi đấu Bắn súng | Bắn súng thể thao |
6 | Tập luyện, thi đấu Bắn cung | Bắn cung |
7 | Tập luyện, thi đấu Thể dục dụng cụ | Thể dục dụng cụ |
8 | Tập luyện, thi đấu Thể dục nhào lộn (trên mặt lưới có lò xo) | Thể dục nhào lộn |
9 | Tập luyện, thi đấu Đua thuyền | Đua thuyền Rowing, Canoe và thuyền truyền thống |
7. Quy định về lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Ngày 05/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực 20/9/2018.
Theo đó, lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp như sau:
Stt | Nội dung | Đơn vị tính | Mức thu |
1 | Lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) | Đồng/lần | 50.000 |
2 | Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp |
|
|
a | Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh | Đồng/bản | 20.000 |
b | Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp | Đồng/bản | 40.000 |
c | Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp | Đồng/báo cáo | 150.000 |
d | Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp | Đồng/lần | 100.000 |
đ | Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên | Đồng/tháng | 4.500.000 |
8. Quy định về xếp lương đối với công chức ngành văn thư
Ngày 02/8/2019, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 10/2019/TT-BNV hướng dẫn việc xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành văn thư, có hiệu lực 20/9/2019.
Theo đó, công chức ngạch văn thư được áp dụng bảng lương như sau:
– Các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BNV được áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
+Ngạch văn thư chính (mã số 02.006) áp dụng bảng lương công chức loại A2 (nhóm 1);
+ Ngạch văn thư (mã số 02.007) áp dụng bảng lương công chức loại A1;
+ Ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) áp dụng bảng lương công chức loại B.
– Trường hợp công chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên thì bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp và áp dụng bảng lương của công chức loại B.
9. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện
Ngày 09/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 10/2019/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, có hiệu lực từ 30/9/2019.
Theo đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện như sau:
– Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo và các lĩnh vực liên quan để vận dụng vào công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục ở địa phương. Gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước.
– Có năng lực dự báo, tư duy chiến lược, định hướng phát triển và tổng kết thực tiễn; năng lực quản lý sự thay đổi, năng lực xử lý thông tin và truyền thông trong giáo dục và đào tạo.
– Có năng lực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc xây dựng, triển khai các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo; năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của phòng giáo dục và đào tạo theo quy định để giải quyết các vấn đề về giáo dục và đào tạo tại địa phương.
– Có năng lực tập hợp quần chúng, đoàn kết nội bộ, thực hiện dân chủ; xây dựng môi trường làm việc văn hóa, phát huy sức sáng tạo của các thành viên trong cơ quan phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục trực thuộc.
– Có năng lực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
– Tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
-Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-Có thời gian công tác trong ngành giáo dục ít nhất 05 năm.
– Có thời gian đảm nhiệm chức vụ phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo hoặc tương đương; hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc tương đương.
– Được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh trưởng phòng hoặc tương đương.
Phương Thảo