Cách tính thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com hướng dẫn cách tính thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo ngày làm việc được hiểu như thế nào?, cụ thể như sau: Ví dụ biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lập vào ngày Thứ 7 và thực tế tạm giữ tang vật ngày thứ 7. Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thời hạn tạm giữ tính từ ngày nào? ngày thứ 7 hay là ngày thứ 2?.

Trangtinphapluat.com trả lời bạn như sau:

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Theo khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hạn tạm giữ được tính là 07 ngày kể từ ngày tạm giữ, tức là tính luôn ngày nghỉ, lễ, tết, quy định này rất bất cập nhất là vào các nghỉ nghỉ lễ tết kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến việc tạm giữ. Đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, sửa đổi khoản 8 Điều 125 thì đã quy định thời hạn tạm giữ được tính là ngày làm việc, cụ thể:

Cách tính thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Cách tính thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

“Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 của Luật này nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 của Luật này thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này. Trường hợp tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì thời hạn tạm giữ kết thúc khi quyết định xử phạt được thi hành xong.

Người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.”

Thời hạn tạm giữ tính theo ngày làm việc

Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn tạm giữ được tính là ngày làm việc và tính từ thời điểm tạm giữ tang vật thực tế. Đối với những trường hợp tạm giữ vào ngày làm việc thì không có gì để bàn cãi, nhưng nếu tạm giữ vào ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, tết thì thời hạn tạm giữ được tính như thế nào cho đúng?

Theo trangtinphapluat.com thì Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa Luật năm 2012 theo hướng quy định thời hạn tạm giữ tính theo ngày làm việc, do đó trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được chia làm 02 trường hợp:

+ Trường hợp thứ nhất, nếu ngày ra quyết định tạm giữ là ngày làm việc thì thời hạn tạm giữ tính từ ngày làm việc, ví dụ: ông A vi phạm giao thông bị tạm giữ giấy phép lái xe vào ngày thứ 2, 15/8/2022, thì thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe là 07 ngày làm việc, tính từ ngày thứ 2, ngày 15/8/2022 đến ngày 23/8/2022 (trừ 2 ngày thứ 7 và chủ nhật).

+ Trường hợp thứ hai, nếu ngày ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết thì thời hạn tạm giữ là thời điểm thực tế tạm giữ, tuy nhiên thời gian thực tế tạm giữ trúng vào ngày nghỉ, lễ, tết sẽ không tính vào thời hạn tạm giữ nên thời hạn để tính 07 ngày làm việc là ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

Ví dụ: ông A vi phạm giao thông bị tạm giữ giấy phép lái xe vào ngày thứ 7, 13/8/2022, thì thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe là 07 ngày làm việc, tính từ  ngày thứ 7, tuy nhiên do trùng vào nghỉ cuối tuần nên thời gian này sẽ không tính vào tổng thời gian tạm giữ theo ngày làm việc, do đó thời gian tạm giữ theo ngày làm việc sẽ tính vào ngày thứ 2, ngày 15/8/2022 đến ngày 23/8/2022 (trừ 4 ngày thứ 7 và chủ nhật).

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến cách xác định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Bạn đọc có ý kiến khác vui lòng để lại Bình luận ở dưới bài viết hoặc phản hồi qua mail trangtinphapluat2019@gmail.com hoặc zalo 0935634572.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *