Xử lý hành vi cản trở lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính

Một bạn đọc hỏi trangtinphapluat.com: Xin hỏi đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây nhà trên đất nông nghiệp và họ đã nộp tiền mà chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tháo gỡ nhà. Giờ ra soát để cưỡng chế mới thấy quyết định xử phạt sai thẩm quyền, sai vị trí thửa đất, sai người chủ sử dụng đất. Giờ phải hủy quyết định. Và phải lập biên bản kiểm tra xác minh để ra quyết định mới. Nhưng khó khăn là người vi phạm họ khép kín đóng cửa không cho vào. Vậy làm như thế nào. Và giờ làm biên bản xác minh theo mẫu 05 nghị định 118/2021/NĐ-CP thì ghi như thế nào và xác định chủ thể để xử phạt là người nào. Vì trong sổ đứng tên ông a và bà b. Nhưng họ bán và cho tặng người khác là ông c ông d bằng biên bản viết tay năm 2014.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Về lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính

+ Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này (vi phạm về thủ tục ban hành phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính), nếu có căn cứ ban hành quyết định mới, thì người có thẩm quyền phải lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính.Thời hạn ban hành quyết định mới theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính.

Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp nêu trên đã ban hành quyết định xử phạt, tuy nhiên qua rà soát sai về thẩm quyền, sai vị trí thửa đất, sai người sử dụng đất nên phải hủy quyết định xử phạt, lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt mới.

Xử lý hành vi cản trở lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính
Xử lý hành vi cản trở lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính

+ Về biên bản xác minh vụ việc vi phạm hành chính theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cần có các nội dung sau:

“a) Có hay không có vi phạm hành chính;

b) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;

c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

d) Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;

đ) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này;

e) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.”

Và tại biểu mẫu 05 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định và hướng dẫn cụ thể cách ghi biên bản xác minh, theo đó trong biên bản xác minh cần làm rõ những nội dung chưa đúng trong biên bản vi phạm hành chính trước đây, cụ thể là đối tượng vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính, vị trí thửa đất.

Về đối tượng vi phạm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chứ không nhất thiết phải là người sử dụng đất. Do đó, dù đất do ai đứng tên hay đã chuyển nhượng bằng giấy viết tay cho người khác thì người có thẩm quyền cần làm rõ ai là người thực hiện hành vi vi phạm, là người sử dụng đất trước đây hay là người mới nhận chuyển nhượng để xác định đối tượng vi phạm hành chính.

2. Xử lý đối với trường hợp không phối hợp lập biên bản vi phạm hành chính

Như tình huống bạn đọc hỏi thì người vi phạm cố tình khép cửa không cho người có thẩm quyền vào để kiểm tra hiện trường vi phạm, gây khó khăn cho việc lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Trường hợp này giải quyết như thế nào?.

+ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 có quy định trường hợp người vi phạm không ký biên bản thì “Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản” và trong mẫu biên bản số 05 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì có hướng dẫn ghi rõ lý do người vi phạm không ký vào biên bản xác minh. Do đó, trường hợp người vi phạm cố tình không mở cửa, không hợp tác để lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm, người có thẩm quyền vẫn có thể lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính.

+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp người vi phạm cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu mở cửa để người có thẩm quyền thực thi công vụ, thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chấp hành việc phối hợp xác minh tình tiết vi phạm hành chính.

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính và xử lý hành vi không phối hợp trong lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Bạn đọc có ý kiến vui lòng để ở mục bình luận bên dưới bài viết.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *