Xây dựng chuồng trại có phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất?

Một số bạn đọc hỏi trangtinphapluat.com: Trường hợp đất trồng cây hằng năm chuyển sang đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất hay không? và việc xây dựng các công trình này ở nông thôn có phải xin phép xây dựng hay không?

Trangtinphapluat.com trả lời như sau (mang tính tham khảo)

Theo quy định tại Điều 12 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ  sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai thì:

Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép
Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép

Chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép

Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:

a) Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;

(Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phạt chủ đất hay phạt người mua đất?)

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;

c) Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;

d) Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;

đ) Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.”

Như vậy, theo quy định tại Thông tư 33 thì trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hằng năm sang đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm không phải xin phép nhưng phải đăng ký biến động.

Việc xây dựng chuồng trại có phải xin phép xây dựng hay không?

Theo quy định tại điểm K Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng thì: Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, được miễn giấy phép xây dựng.

Như vậy, nếu ở khu vực nông thôn chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì  công trình xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được miễn giấy xây dựng, nếu đã có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt thì phải xin phép xây dựng. Trường hợp buộc phải xin phép mà không xin giấy phép thì bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

(Quy định mới về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn)

(Vướng mắc trong xử phạt hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất)

Thực tiễn xét xử về xây dựng trại chăn nuôi

Theo Bản án phúc thẩm số: 10/2020/HC-PT Ngày: 03 – 6 – 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc Kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngày 26/9/2018, bà Nguyễn Phương T được Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Đăk Lăk cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CP 058377,thửa số 34, tờ bản đồ số 48, diện tích 1.030m2 tọa lạc tại thôn 3, xã C, thành phố B. Mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm. Do trồng cây lâu năm không hiệu quả, nên bà T bổ sung thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngày 06/11/2018, bà T xây dựng chuồng trại diện tích 64m2 , với mục đích sử dụng vào việc sản xuất nấm rơm và chăn nuôi nai.

Việc xây dựng chuồng trại có phải xin phép xây dựng hay không?
Việc xây dựng chuồng trại có phải xin phép xây dựng hay không?

Ngày 13/12/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã C ban hành quyết định số 349/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai về việc “Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp, diện tích đất chuyển mục đích sử dụng trái phép dưới 0.5 hec ta”, xử phạt bà T số tiền 1.500.000đồng và biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”. Và thu giữ của bà Nguyễn Phương T một cối trộn bê tông.

+ Quan điểm của Viện kiểm sát thì việc chuyển mục đich sang chăn nuôi không cần phải xin phép, cụ thể:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa trình bày
quan điểm Về nội dung: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 349/QĐ-XPVPHCngày 13/12/2018 của Chủ tịch UBND xã C xác định bà Nguyễn Phương T đã vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp là không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật đất đai. Tại khoản 1 Điều 57 Luật đất đai không quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa xác minh thửa đất số 34, tờ bản đồ số 48, diện tích 1.030m2 của bà T tại thôn 3, xã C đã được quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng hay chưa. Việc Bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc UBND xã C trả lại 01 cối trộn bê tông và phải bồi hường số tiền 27.900.000 đồng thiệt hại nhưng cấp sơ thẩm không xem xét xử lý  mà nhận định bà T chưa thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên việc tạm giữ tang vật (Cối trộn bê tông) là đúng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính là không có căn cứ. Xét thấy, cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ tài liệu, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Nên đề nghị HĐXX căn cứ vào khoản 3 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính chấp nhận một phần đơn kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện. Hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 11/2019/HC-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

+ Quan điểm của Tòa án là việc xử phạt chuyển mục đích là đúng

Ngày 06/12/2018, Ủy ban nhân dân xã C đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 27 đối với bà T về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và tạm giữ tang vật 01 cối trộn bê tông.
Ngày 13 tháng 12 năm 2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã C tiếp tục ban hành Quyết định số 349/QĐ- XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 102/NĐ-CP xử phạt bà T với mức phạt là 1.500.000đồng và yêu cầu bà T khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Sau khi có biên bản vi phạm và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì bà T chưa chấp hành việc thực hiện theo quyết định xử phạt.
Như vậy, trước khi ban hành Quyết định số 349/QĐ-XPVPHC ngày 13/12/2018, thì ngày 06/12/2018 Chủ tịch UBND xã C đã lập biên bản vi phạm hành chính số 27 đối với bà Nguyễn Phương T và tạm giữ tang vật 01 cối trộn bê tông.
Biên bản này là cơ sở để ban hành Quyết địnhsố 349/QĐ- XPVPHC. Xét biên bản vi phạm hành chính được ban hành đúng thẩm quyền, thể thức văn bản đúng quy định tại khoản 1 Điều 38; Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính. Nội dung biên bản đã xác định đúng diễn biến và hiện trạng xây dựng trên đất, bà T có mặt nhưng không đồng ý với nội dung xử phạt hành chính nên không ký vào biên bản. Theo biên bản xử phạt vi phạm hành chính thể hiện bà T đã xây dựng công trình trên đất có diện tích 64m2, móng bằng đá hộc, nền lát gạch bát tràng, tường xây gạch thẻ chưa tô, cao 3,5m đã gắn vì kèo sắt, chưa lợp mái. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CP 058377 do Sở tài nguyên môi trường tỉnh Đăk Lăk cấp ngày 26/9/2018, cấp cho bà Nguyễn Chi Hạnh P, Nguyễn Chi Hạnh D, Nguyễn Phương T thì mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật đất đai xác định đất trồng cây lâu năm và đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đều được coi là đất nông nghiệp nhưng thuộc hai phân nhóm khác nhau. Như vậy, việc bà T tự ý xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 3 Điều 12, Điều 57 Luật đất đai năm 2013. Là hành vi vi phạm hành chính chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp mà không  được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép quy định tại khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 10/11/2014 Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Do bà T không làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dung đất, không sử dụng đất đúng mục đích đã được Nhà nước giao, ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thực hiện theo biên bản vi phạm hành chính số 27 ngày 06/12/2018 nên Chủ tịch UBND xã C căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai để ban hành Quyết định số 349/QĐ- XPHC ngày 13/12/2018 là đúng quy định.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

4 Bình luận

  1. hoàng văn kiên

    anh Sử tư vấn giúp tôi tình huống nhé: Trường hợp xây dựng CT nhà ở không có GPXD ở đô thị bị chủ tịch TPho xử phạt HC 25 trđ, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình cho thợ và máy móc để thi công XDCT. Để đảm bảo thi hành QĐXP thì cần thực hiện biện pháp ngăn chặn là tạm giữ tang vật phương tiện được sử dụng cho vi phạm. Trong TH này Chủ tịch UBND phường của tôi có được tạm giữ tang vật PT vi phạm hay phải cấp trên (khoản 3 điều 125 Luật XLVPHC quy định người có thẩm quyền xử phạt tịch thu tang vật thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật …)

    • Nguyễn Quốc Sử

      Theo tôi trong tình huống này thì Chủ tịch UBND phường có quyền ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vì Khoản 1 Điều 38 Luật xlvphc có quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *