Thẩm quyền của Chủ tịch xã trong xử phạt VPHC lĩnh vực quân sự

Một số bạn đọc đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp vướng mắc liên quan đến xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực quân sự.

1. Có trường hợp chiến sĩ nghĩa vụ đào ngũ, đơn vị gửi thông báo cắt quân số gửi về địa phương để xử lý thì có phải lập Biên bản vi phạm hành chính không (trong Hồ sơ gửi về không có Biên bản vi phạm hành chính), thẩm quyền xử phạt là cấp nào anh, vì biện pháp khắc phục hậu quả  K hoản 2, Điều 8 Nghị định 120/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, quy định:  “Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này”.

2. Khoản 1 Điều 37 Nghị định 120/2013/NĐ-CP có ghi thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND xã, quy định tại Mục 6 Chương II của Nghị định này, chủ tịch xã chỉ được áp dụng từ Mục 6, chương II (tức là từ Điều 25) vậy các điều khác, ví dụ từ Điều 4 đến Điều 24 (có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả) thì chủ tịch xã không được xử phạt có đúng không? hay được hiểu như nào cho đúng?

Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính nghĩa vụ quân sự
Hướng dẫn xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực quân sự.

Trangtinphapluat.com trả lời như sau:

1. Để xử phạt phải lập biên bản vi phạm hành chính

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì khi phát hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính, cụ thể:

 “Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.”

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.”

Trường hợp “Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 120/2013/NĐ-CP thì mức phạt từ 3-5 triệu đồng nên không thuộc trường hợp không lập biên bản vi phạm hành chính.

+ Theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2021, sửa đổi, bổ sung 2020 thì:

“1. Đối với vụ việc do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm, hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm (nếu có) và văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này chuyển đến. Trường hợp cần thiết phải xác minh thêm tình tiết để có căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

Trường hợp đào ngũ như bạn hỏi không phải là trường hợp do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ qua để xử phạt hành chính, nên phải lập biên bản vi phạm hành chính làm cơ sở cho việc xử phạt.

Tóm lại, trường hợp “Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện” thì phải lập Biên bản vi phạm hành chính trước khi ban hành quyết định xử phạt.

2. Cấp xã không có thẩm quyền xử phạt

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 120/2013/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, thì 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

“a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Mục 6 Chương II của Nghị định này.”

Đối chiếu với mức phạt tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 120/2013/NĐ-Cp từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi “Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện” thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt, tuy nhiên biện pháp khắc phục hậu quả  “Buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự” không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã theo điểm d khoản 1 Điều 37 Nghị định 120/2013/NĐ-CP.

+ Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020  quy định nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ đề cập đến trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm  chứ không đề cập đến nguyên tắc xác định thẩm quyền trường hợp một người thực hiện một hành vi vi phạm nhưng mức phạt thuộc thẩm quyền còn phần khắc phục hậu quả lại vượt thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2021, sửa đổi, bổ sung 2020 thì nghiêm cấm các hành vi:

4. Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

5. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này.

6.Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính”

Như vậy, về nguyên tắc xác định thẩm quyền thì Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa đề cập đến trường hợp một hành vi vi phạm nhưng mức phạt thuộc thẩm quyền của cấp xã, biện pháp khắc phục hậu quả thuộc cấp huyện, tuy nhiên, Luật đã nghiêm cấm hành vi không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng không đúng thẩm quyền… Do đó, trường hợp trên, mặc dù tiền phạt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã nhưng phần khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền của cấp trên, cho nên Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền xử phạt mà chuyển toàn bộ hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xử phạt.

3. Thẩm quyền khắc phục hậu quả của cấp xã

Theo điểm d khoản 1 Điều 37 Nghị định 120/2013/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Mục 6 Chương II của Nghị định này. Như vậy, chỉ những biện pháp ở Mục 5 Chương II thì Chủ tịch UBND cấp xã mới có thẩm quyền áp dụng, còn các biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc Mục 6 chương II thì Chủ tịch xã không được áp dụng, đồng nghĩa với việc không được xử phạt vi phạm hành chính, mặc dù mức tiền phạt thuộc thẩm quyền (đã có giải thích ở mục 2 ở trên).

Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến xác định thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quân sự.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *