Hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng diễn ra khá phổ biến. Đối với chủ đầu tư thì sẽ bị xử phạt tiền và buộc phải xin giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng, còn đối với nhà thầu, thợ xây dựng thì xử lý như thế nào để đảm bảo chấm dứt được hành vi xây dựng không phép, sai phép?
Chủ đầu tư phải xin phép xây dựng
Theo quy định tại Khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Quá thời hạn 60 ngày mà không xuất trình được giấy phép xây dựng thì sẽ bị buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.
Mặc dù Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức xử phạt rất cao và buộc tháo dỡ công trình nhưng thực tế sau khi bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng thi công để làm thủ tục xin giấy phép, điều chỉnh giấy phép xây dựng, chủ đầu tư vẫn cố tình tiếp tục vi phạm. Nghị định 139/2017/NĐ-CP tại khoản 8, 9 đã có quy định về tăng mức xử phạt đối với trường hợp đã lập biên bản mà tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, đã bị xử phạt mà tiếp tục tái phạm.
(Tháo dỡ hay phá dỡ công trình không phép, sai phép?)
Việc chủ đầu tư tiếp tục vi phạm bên cạnh việc bất chấp pháp luật của chủ đầu tư còn có lỗi quản lý, theo dõi và xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay chính quyền hầu như mới chỉ xử phạt chủ đầu tư vi phạm mà chưa xử lý nhà thầu, thợ trực tiếp xây dựng công trình vi phạm.
Xử phạt cả nhà thầu, thợ xây
Theo Khoản 3 Điều 30 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì:
“3. Xử phạt nhà thầu tiếp tục thực hiện thi công xây dựng công trình mà chủ đầu tư công trình đó đã bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 15 Nghị định này như sau:
a) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;
c) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.”
Theo Khoản 28 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 thì: Nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng (sau đây gọi là nhà thầu) là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Như vậy, theo Luật Xây dựng thì nhà thầu là tổ chức, cá nhân, do đó trường hợp công trình xây dựng không phép, sai phép đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà nhà thầu tiếp tục xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo khoản 3 Điều 30 Nghị định 139 để họ không tiếp tục thi công công trình vi phạm.
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Tóm lại, đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép, sai giấy phép xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền cần phải phát hiện kịp thời, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư. Trường hợp sau khi lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt mà chủ đầu tư tiếp tục vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền cần lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư theo Khoản 8, 9 Điều 15 Nghị định 139, đồng thời lập biên bản và xử phạt đối với nhà thầu (tổ chức, cá nhân) theo Khoản 3 Điều 30 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Phương Thảo