Bạn đọc ở địa chỉ mail thang…@gmail.com đề nghị trangtinphapluat.com cho biết:
Câu 1. Trường hợp cá nhân có hành vi Chiếm đất nông nghiệp xong xây nhà thì xử lý theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai (nay là Nghị định 91/2019/NĐ-CP) hay xử lý theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở? và xử phạt mấy hành vi ạ?
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
1. Xử phạt từng hành vi vi phạm
– Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.
Do đó, nếu cá nhân vừa có hành vi chiếm đất, vừa có hành vi xây dựng nhà ở không phép trên đất đã lấn chiếm thì bị xử phạt cả 2 hành vi. Hành vi chiếm đất xử phạt theo Điều 10 của Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng bị xử phạt theo Điều 15 của Nghị định 139/2017/NĐ-CP đối với những công trình buộc phải có giấy phép xây dựng.
– Khi phát hiện hành vi chiếm đất và xây dựng công trình trên đất lấn, chiếm thì người có thẩm quyền lập 01 biên bản vi phạm hành chính, trong đó mô tả rõ 2 hành vi vi phạm và tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm hành chính để xử lý cả 2 hành vi vi phạm.
(Hướng dẫn xử phạt hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng)
2. Thực tiễn chỉ xử phạt 01 hành vi
– Trên thực tế khi có hành vi chiếm đất rồi xây dựng, các cơ quan thường chỉ xử phạt 01 hành vi chiếm đất để xây dựng công trình. Việc xử phạt như vậy là chưa đúng với nguyên tắc xử phạt của Luật xử lý vi phạm hành chính và vi phạm điều cấm tại Điều 12 của Luật XLVPHC, cụ thể Luật nghiêm cấm Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
– Khoản 2 Điều 16 Luật XLVPHC cũng quy định: Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm quy định khác tại Điều 12 của Luật này và quy định khác của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tóm lại, khi cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đất, xây dựng nhà ở trên đất lấn chiếm thì đã có 2 hành vi vi phạm được quy định tại 2 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính cả 2 hành vi và tham mưu người có thẩm quyền xử phạt cả 2 hành vi. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với các công trình xây dựng ở nông thôn nếu thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng thì chỉ xử phạt về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trên lĩnh vực đất đai, còn trên lĩnh vực xây dựng thì không xử lý hành vi không phép mà nếu có vi phạm về quy hoạch xây dựng thì mới bị xử phạt.
(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Câu 2. Trong trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở trên đất nông thiệp thì trường hợp nào xử theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP, trường hợp nào xử theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP ạ?.
Như đã phân tích ở trên, việc cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp có 2 hành vi vi phạm. Nếu đất lấn, chiếm như tình huống đã nêu thì xử phạt hành vi chiếm đất theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP và xử phạt hành vi xây dựng công trình không có giấy phép theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Trường hợp đất nông nghiệp của cá nhân, tổ chức mà họ tự ý xây dựng nhà ở thì vẫn xử phạt 2 hành vi vi phạm. Hành vi Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp sang mục đích khác trong nhóm đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo Điều 9 của Nghị định 102/2014/NĐ-CP và xử phạt hành vi xây dựng công trình không phép theo Nghị định 139 đối với công trình buộc phải xin giấy phép xây dựng.
(Hướng dân xử phạt hành vi Xây nhà không phép trên đất nông nghiệprồi bán cho người khác)
Tóm lại, nếu là đất nông nghiệp ở đô thị mà cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở thì sẽ bị xử phạt cả 2 hành vi và người vi phạm sẽ có thời hạn tối đa 60 ngày để làm thủ tục xin giấy phép xây dựng (chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở rồ làm thủ tục cấp phép xây dựng), quá thời hạn 60 ngày mà không xuất trình được giấy phép xây dựng thì sẽ bị buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo Nghị định 139 và buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP.
(Xây dựng công trình nhà ở không phải trên đất ở xử lý thế nào cho đúng?)
Để việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đảm bảo đúng pháp luật thì trước hết hộ gia đình, cá nhân cần làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, sau đó làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với trường hợp buộc phải xin giấy phép.
(Xem hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai)
Xem video hướng dẫn xử phạt hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp
Trên đây là tư vấn của trangtinphapluat.com liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở. Bạn đọc có ý kiến phản hồi hoặc cần tư vấn thì vui lòng ghi ý kiến ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Phương Thảo.